Bệnh Chàm Tai

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Bệnh chàm tai là bệnh chàm xảy ra ở tai. Trong đó người bệnh sẽ có những những mảng da khô kèm theo ngứa xuất hiện ở ống tai ngoài, nếp gấp sau tai hoặc đường xoắn ốc. Điều này thường gặp ở người có tiền sử gia đình bị hen suyễn, dị ứng và chàm.

Tổng quan

Bệnh chàm tai là thuật ngữ chỉ bệnh chàm (viêm da) xảy ra ở tai. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng khô da, da đổi màu, sần sùi và ngứa ở trong, phía trên và xung quanh tai. Trong đó ống tai ngoài là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bệnh chàm tai
Bệnh chàm tai xảy ra khi những triệu chứng của bệnh chàm xuất hiện ở trong, phía trên và xung quanh tai

Bệnh chàm là tên gọi khác của bệnh viêm da, thường được dùng để chỉ viêm da dị ứng. Bệnh làm hỏng chức năng rào cản của da. Từ đó khiến da trở nên nhạy cảm hơn, khô và dễ bị nhiễm trùng hơn.

Những triệu chứng của chàm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, trong đó có tai. Bệnh chàm tai không gây nguy hiểm nhưng có thể làm giảm tính thẩm mỹ trầm trọng. Để điều trị, bệnh nhân thường được yêu cầu dùng thuốc.

Phân loại

Bệnh chàm tai có nhiều loại. Những loại phổ biến nhất gồm:

  • Viêm da tiết bã: Đây là một bệnh chàm mãn tính xảy ra khi có phản ứng miễn dịch với một loại nấm men trên da. Những triệu chứng của viêm da tiết bã xuất hiện ở những khu vực có tuyến bã nhờn (tuyến sản xuất dầu).
  • Viêm da dị ứng: Viêm da dị ứng là bệnh chàm mãn tính liên quan đến sốt cỏ khô và hen suyễn. Bệnh xảy ra khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương hoặc rối loạn chức năng, tăng sự nhạy cảm với thực phẩm.
  • Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc là bệnh viêm da xảy ra do phản ứng quá mức của da với kim loại hoặc hóa chất khi tiếp xúc. Bệnh cũng có thể xảy ra khi dùng một loại kháng sinh tại chỗ.
  • Viêm da chàm bội nhiễm (IED): Bệnh xảy ra từ một vị trí bị nhiễm trùng và tiết dịch. Chẳng hạn như nhiễm trùng trong tai.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh chàm tai. Tuy nhiên bệnh có thể liên quan đến những yếu tố dưới đây:

  • Phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với dị nguyên.
  • Có vấn đề trong cấu tạo hàng rào bảo vệ da. Điều này khiến da khô, nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Thiếu hụt filaggrin khiến da khô và ngứa hơn. Đây là một loại protein tham gia vào quá trình hình thành hàng rào bảo vệ da.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh chàm, hen suyễn, dị ứng hoặc một số bệnh lý da khác
  • Nhiễm trùng tai, có dịch nhầy đặc hoặc mủ chảy thường xuyên hoặc ứ đọng trong ống tai. Điều này khiến chàm từ ống tai lan đến vành tai.
  • Cơ địa dị ứng khiến chàm lây lan từ những vị trí khác đến ống tai ngoài và vành tai.

Hệ miễn dịch phản ứng quá mức khi tiếp xúc trang sức làm từ niken
Chàm tai có thể xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức khi tiếp xúc trang sức làm từ niken

Những yếu tố có thể gây bùng phát và làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh:

  • Thời tiết thay đổi, quá nóng hoặc quá lạnh
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Tiếp xúc với hóa chất, kim loại, chất tẩy rửa. Trong đó bông tai bằng kim loại như niken có thể gây bệnh chàm tai
  • Lông động vật như chó và mèo
  • Căng thẳng
  • Cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.

So với người lớn, bệnh chàm tai thường gặp hơn ở trẻ em.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh chàm tai xuất hiện ở ống tai ngoài, nếp gấp sau tai hoặc/ và đường xoắn ốc. Đôi khi những triệu chứng lan đến da đầu và mặt, thường kéo dài và tồi tệ hơn khi thời tiết rất khô.

Dưới đây là các triệu chứng phổ biến:

  • Da khô và sần sùi
  • Ngứa da
  • Phát ban đổi màu
  • Xuất hiện những vết sưng trên da
  • Da bong tróc, có vảy
  • Vùng da ảnh hưởng có màu đỏ
  • Nứt
  • Dịch tiết ra từ tai
  • Hình thành những mụn phỏng nhỏ chứa dịch nhầy trong. Khi vỡ ra, những mụn phỏng có thể hình thành những vảy màu nâu và mỏng phủ lên vùng vị ảnh hưởng.

Ngứa ngáy, da khô và sần sùi
Bệnh chàm gây ngứa ngáy, da khô, sần sùi, bong tróc và có vảy ở ống tai ngoài và vành tai

Kiểm tra những tổn thương da ở phía trong và xung quanh tai có thể giúp phát hiện bệnh chàm tai. Trong quá trình này, bác sĩ có thể soi vào bên trong tai để kiểm tra, phát hiện tình trạng kích ứng.

Ngoài người bệnh sẽ được hỏi thêm vền tiền sử gia đình và bản thân. Dựa vào điều này bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết nếu cần thiết.

Trong đó một mẫu tế bào da khô ở phía trong hoặc xung quanh tai được lấy ra và xem xét dưới kính hiển vi. Điều này giúp loại trừ bệnh vảy nến và những tình trạng tương tự khác.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh chàm tai thường không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Khi điều trị thích hợp, những triệu chứng có thể biến mất sau 1 - 3 tuần.

Tuy nhiên bệnh không được điều trị dứt điểm, triệu chứng có thể bùng phát trong tương lai. Các triệu chứng kéo dài gây khó chịu và làm mất tính thẩm mỹ. Ngoài ra cảm giác ngứa ngáy có thể khiến trẻ gãi thường xuyên dẫn đến trầy xước.

Nhiễm khuẩn xảy ra từ vết trầy có thể dẫn đến chàm nhiễm khuẩn. Điều này khiến nhiều mụn loét nhỏ, chứa mủ, nóng hình thành trên da. Ngoài ra người bệnh còn có vẩy nâu cứng, viêm tấy lan rộng đến da vùng thái dương và vùng sau tai.

Ngoài ra bệnh chàm tai còn gây biến chứng rối loạn giấc ngủ, bao gồm: Mất ngủ, buồn ngủ ban ngày và mệt mỏi.

Điều trị

Những biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp làm dịu những triệu chứng của bệnh chàm tai. Đối với những trường hợp nặng hoặc các triệu chứng dai dẳng, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà cho bệnh nhân bị chàm tai gồm:

  • Dùng kem chống ngứa không kê đơn

Làm dịu vùng da ảnh hưởng, giảm sưng tấy và ngứa ngáy bằng cách dùng kem chống ngứa không kê đơn. Chẳng hạn như thuốc kháng histamine và kem bôi chứa Hydrocortison.

Dùng kem chống ngứa không kê đơn
Dùng kem chống ngứa không kê đơn như Hydrocortison giúp giảm sưng tấy và ngứa ngáy

  • Tránh gãi

Tránh gãi hoặc chà xát mạnh lên những vùng da bị ảnh hưởng khi bị chàm tai. Bởi điều này có thể gây trầy xước, chảy máu, viêm nặng và làm trầm trọng hơn những triệu chứng của bệnh chàm. Tốt nhất nên cắt gọn móng tay và mang găng tay cho trẻ nhỏ.

  • Vệ sinh tai

Rửa tai nhẹ nhành vào mỗi đêm, nên sử dụng nước ấm. Tránh dùng nước nóng. Ngoài ra người bệnh nên tắm bằng nước ấm và giới hạn thời gian ở dưới nước không quá 15 phút.

  • Sử dụng xà phòng dịu nhẹ

Dùng dầu gội đầu và sữa tắm dịu nhẹ, không chứa cồn, thuốc nhuộm và mùi hương. Tốt nhất nên dùng những sản phẩm có các nhãn gồm dành cho da nhạy cảm, không gây dị ứng và không chứa hương liệu. Ngoài ra nên sử dụng xà phòng giặt nhẹ cho quần áo và nên xả kỹ quần áo.

  • Tránh tiếp xúc tác nhân gây dị ứng

Tránh tiếp xúc với bất kỳ tác nhân nào có thể gây dị ứng (chẳng hạn như bông tai làm bằng coban, niken hoặc đồng) hoặc những chất kích thích gây bùng phát bệnh chàm trong quá khứ (hóa chất, chất tẩy rửa, thực phẩm...). Điều này có thể gây bùng phát hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng.

  • Giữ ấm cơ thể

Cần đội mũ che tai khi thời tiết lạnh. Bởi nhiệt độ thấp có thể kích hoạt giai đoạn bùng phát của bệnh chàm tai.

  • Dùng máy tạo độ ẩm

Nếu không khí khô khiến da bị khô, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm thích hợp trong phòng ngủ.

  • Aquaphor hoặc Vaseline

Nên cân nhắc sử dụng thuốc mỡ chăm sóc da Aquaphor hoặc dầu bôi trơn Vaseline. Những sản phẩm này có khả năng bảo vệ làn da bị ảnh hưởng và giúp dưỡng ẩm.

Ngoài ra Aquaphor và Vaseline đều là những sản phẩm có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn, giúp chữa lành da và không gây dị ứng.

Dùng Aquaphor hoặc Vaseline
Dùng Aquaphor hoặc Vaseline để kháng nấm, kháng khuẩn, dưỡng ẩm và bảo vệ làn da bị ảnh hưởng

Trước khi sử dụng nên nhẹ nhàng rửa tai bằng xà phòng nhẹ và nước ấm. Sau đó dùng tăm bông bôi một lượng nhỏ thuốc mỡ chăm sóc ta hoặc dầu bôi trơn lên tai.

  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ

Nên chuyển sang sữa rửa mặt dịu nhẹ, chứa những thành phần phù hợp với da nhạy cảm khi bị chàm tai.

  • Dùng kem dưỡng ẩm không mùi

Bôi kem dưỡng ẩm toàn thân (bao gồm cả tai) sau khi tắm. Điều này giúp tăng độ ẩm, giảm khô da, bong tróc và ngứa ngáy. Tốt nhất nên lựa chọn những loại kem dưỡng ẩm không mùi.

2. Điều trị y tế

Điều trị y tế cho bệnh chàm tai bao gồm thuốc và quang trị liệu:

+ Thuốc

Điều trị chàm tai có thể bao gồm những loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc nhỏ tai: Thuốc nhỏ tai thường được sử dụng để kháng viêm và chống nhiễm trùng trong tai.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc này được dùng cho những bệnh nhân bị ngứa dữ dội.
  • Kem và thuốc mỡ có corticosteroid: Thuốc này được dùng để giảm viêm ở khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra kem và thuốc mỡ chứa corticosteroid còn có tác dụng điều trị sưng tấy, giảm ngứa và đau da.
  • Thuốc giảm ngứa: Thuốc giảm ngứa kê đơn thường được dùng ở dạng thuốc mỡ hoặc kem bôi. Những hoạt chất trong thuốc có khả năng làm dịu nhanh cảm giác ngứa ngáy.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng cho những bệnh nhân có vùng da ảnh hưởng bị nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng điều trị nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh chàm bội nhiễm.
  • Thuốc sinh học hoặc thuốc ức chế miễn dịch: Methotrexate, Azathioprine (Azasan), Mycophenolate mofetil (CellCept)... có thể được dùng cho những bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng, không đáp ứng tốt với những loại thuốc khác. Khi dùng những loại thuốc này có tác dụng giảm phản ứng miễn dịch đối với các yếu tố kích hoạt phản ứng viêm. Từ đó giảm viêm và làm dịu nhanh các triệu chứng.

Dùng thuốc ức chế miễn dịch
Dùng thuốc ức chế miễn dịch Methotrexate cho những bệnh nhân có các triệu chứng dai dẳng

+ Liệu pháp quang học

Liệu pháp quang học (quang trị liệu) được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh chàm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tai và nhiều vùng khác trên cơ thể.

Liệu pháp này sử dụng tia cực tím để kích thích sự phát triển của những tế bào da mới, giúp các tế bào trở lại trạng thái bình thường. Từ đó loại bỏ những triệu chứng của bệnh.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể ngăn ngừa đợt bùng phát của bệnh chàm tai:

  • Thường xuyên dưỡng ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ và không mùi. Sản phẩm nên được bôi ngay sau khi tắm và lau khô da. Thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm nên được bôi lại từ 2 - 3 lần/ ngày.
  • Tránh chà xát mạnh và gãi lên vùng da bị ảnh hưởng.
  • Không sử dụng những vật sắc nhọn và chưa sát khuẩn để làm sạch ống tai ngoài.
  • Xử lý tốt những vết trầy xước trên bề mặt da vành tai.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh hoặc khi đột ngột thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.
  • Giữ không khí mát mẻ trong phòng ngủ và phòng làm việc. Tránh những hoạt động thể chất dưới trời nắng nóng. Điều này giúp ngăn đổ nhiều mồ hôi khiến bệnh chàm bùng phát.
  • Tránh những trang phục được làm từ chất vải thô cứng, len, vải bố...
  • Kiểm soát cẳng thẳng cách dành thời gian thư giãn, thường xuyên tập thể dục thể thao, ngồi thiền hoặc thực hiện những hoạt động ưa thích.
  • Không tiếp xúc với niken, hóa chất, chất tẩy rửa mạnh và những sản phẩm khác có thể gây kích ứng.
  • Hạn chế tiếp xúc với những chất gây dị ứng và kích ứng đã biết.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, lông thú cưng và những chất kích thích khác.
  • Nếu bị dị ứng thực phẩm, cần xác định loại thực phẩm bị ứng và tránh sử dụng trong những bữa ăn kế tiếp.
  • Cần bằng độ ẩm bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ.
  • Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không hương liệu để gội đầu, rửa mặt và làm sạch thân thể. Ngoài ra nên tắm bằng nước ấm, tránh tắm lâu hơn 15 phút. Sau khi tắm nên dùng khăn vỗ nhẹ cho da khô thay vì chà xát.
  • Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp giữ ẩm cho làn da, giảm nguy cơ bùng phát bệnh chàm.

Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày
Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để giữ ẩm cho làn da, giảm nguy cơ bùng phát bệnh chàm tai

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị chàm tai được đề nghị là gì?

2. Tình trạng của tôi hoặc con tôi là ngắn hạn hay dài hạn?

3. Quy trình điều trị trong bao lâu?

4. Cách chăm sóc da giúp giảm triệu chứng là gì?

5. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa những đợt bùng phát?

6. Tôi cần tránh những gì trong quá trình điều trị?

7. Tôi có cần áp dụng một chế độ ăn kiêng hay không?

Bệnh chàm tai thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng khiến trẻ khó chịu, làm mất tính thẩm mỹ, tăng nguy cơ nhiễm trùng và rối loạn giấc ngủ. Để khắc phục, cần áp dụng những biện pháp chăm sóc phù hợp và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.