Bệnh Chàm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh chàm được đặc trưng bởi những mảng da khô và ngứa. Đây là một tình trạng da phổ biến, không lây nhiễm. Thông thường những triệu chứng sẽ bùng phát khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc chất kích thích.

Tổng quan

Bệnh chàm (Eczema) là một dạng viêm da thường gặp và không lây nhiễm. Bệnh thể hiện cho một nhóm những tình trạng da khiến vùng tổn thương khô ráp, ngứa, viêm và sần sùi.

Bệnh chàm (Eczema)
Bệnh chàm (Eczema) là những tình trạng da dẫn đến khô ráp, ngứa, viêm và sần sùi

Bệnh Eczema làm hỏng hoặc suy yếu chức năng rào cản của da. Chức năng này chịu trách nhiễm giữ ẩm da, bảo vệ da và cơ thể khỏi những yếu tố bên ngoài. Khi mắc bệnh, những triệu chứng thường bùng phát khi có chất gây dị ứng hoặc chất kích thích.

Bệnh chàm ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên bênh xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Tổn thương da thường được điều trị bằng thuốc kết hợp với biện pháp chăm sóc để ngăn biến chứng của bệnh.

Phân loại

Bệnh chàm được phân thành nhiều loại, bao gồm:

1. Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là dạng thường gặp nhất của bệnh chàm. Bệnh lý này xảy ra khi hàng rào bảo vệ tự nhiên của da suy yếu, không có khả năng chống lại những yếu tố kích thích từ bên ngoài.

Không rõ nguyên nhân gây suy giảm hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên bệnh có liên quan đến gen di truyền, sự suy giảm hệ thống miễn dịch, yếu tố môi trường kết hợp với tình trạng da khô.

Những triệu chứng viêm da cơ địa thường bắt đầu ở thời thơ ấu. Đến tuổi trưởng thành, những triệu chứng nhẹ hơn hoặc mất đi. Bệnh thường xuất hiện đồng thời với viêm mũi dị ứng và hen suyễn.

2. Bệnh chàm da (Dyshidrosis)

Bệnh chàm da (Dyshidrosis) hay bệnh chàm tổ đỉa là một tình trạng da mãn tính. Bệnh được đặc trưng bởi những nốt mụn nước nhỏ xuất hiện ở lòng bàn tay và bàn chân.

Mụn nước căng kèm theo cảm giác đau và ngứa, vùng da tổn thương có dấu hiệu khô ráp, bong tróc và nứt nẻ.

Bệnh chàm da (Dyshidrosis)
Bệnh chàm da (Dyshidrosis) gây ra những nốt mụn nước nhỏ ở lòng bàn tay, ngón tay và bàn chân

3. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi một người bị kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng khi tiếp xúc những chất gây dị ứng hoặc chất gây kích ứng. Bệnh gây ra phát ban kèm theo đau và ngứa, không lây nhiễm.

Bệnh viêm da tiếp xúc phổ biến ở những người có làn da nhạy cảm hoặc bệnh da mãn tính. Những triệu chứng của bệnh có thể xảy ra sau một hoặc nhiều lần tiếp xúc với căn nguyên.

Chàm dạng viêm da tiếp xúc được chia thành 2 loại nhỏ, bao gồm:

  • Viêm da tiếp xúc kích ứng: Phát ban đau đớn xuất hiện nhanh chóng khi cơ thể phản ứng với chất gây kích ứng.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: Cơ thể phản ứng dị ứng với một chất (như nước hoa, mỹ phẩm, kim loại trang sức...).

4. Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh còn được goi là lichen simplex mãn tính. Bệnh gây ra những tổn thương da kèm theo ngứa ngáy ở một hoặc hai mảng da.

Tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào. Tuy nhiên cổ tay, bàn tay, da đầu, sau gáy, khuỷu tay, chân, mắt cá chân, cánh tay là những vị trí thường bị ảnh hưởng nhất. Những mảng ngứa thường có kích thước 3 x 10cm, da có vảy, khô, dày và màu sắc khác.

5. Chàm đồng tiền

Chàm đồng tiền là một dạng viêm da đặc trưng bởi những đốm tròn, nổi trên da, có hình dáng tương tự như hình đồng xu. Tổn thương này thường kèm theo ngứa, chảy dịch trong suốt và đóng vảy.

Tổn thương do chàm đồng tiền là mãn tính. Chúng có thể xuất hiện trên da hàng tuần đến hàng tháng, thường xuyên lặp đi lặp lại những đợt bùng phát.

6. Viêm da tiết bã

So với một số dạng khác, viêm da tiết bã dễ kiểm soát và không lây nhiễm. Bệnh được đặc trưng bởi những mảng đỏ ngứa, vảy nhờn trên da, vảy trắng hoặc vàng trên da đầu.

Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã thường gây ra những triệu chứng trên da đầu, đặc trưng bởi mảng đỏ ngứa và vảy nhờn

7. Viêm da ứ đọng

Viêm da ứ đọng (hay viêm da ứ máu) ít gặp, xảy ra khi có dịch từ những tĩnh mạch yếu rò rỉ vào da. Điều này dẫn đến sưng, ngứa, đỏ và đau da.

Ngoài ra những người bị viêm da ứ đọng thường bị sưng ở chân dưới, sưng nhiều hơn khi vận động đi lại nhiều và vào ban ngày. Khi di chuyển người bệnh sẽ có cảm giác nặng chân và đau.

Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể mắc nhiều loại bệnh chàm cùng một lúc.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch

Hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với những chất gây kích ứng / phản ứng dị ứng trong môi trường. Từ đó dẫn đến những triệu chứng của bệnh chàm.

Khi tiếp xúc, tác nhân bên ngoài kích hoạt hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể và tạo ra phản ứng viêm. Từ đó làm khởi phát những triệu chứng chàm trên da.

  • Gen

Gen khiến những người có ba mẹ, ông bà hoặc anh chị bị chàm hoặc viêm da sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ngoài ra nguy cơ cũng cao hơn ở những người có tiền sử bị dị ứng, hen suyễn hoặc sốt cỏ khô; người có gen đột biến và hoạt động không bình thường.

  • Kích hoạt cảm xúc

Các nghiên cứu cho thấy sức khỏe tinh thần và làn da có mối quan hệ. Những triệu chứng của bệnh chàm có thể xảy ra khi bị bị căng thẳng, lo lắng quá mức hoặc trầm cảm.

Ngoài ra cảm xúc tiêu cực cũng khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và bùng phát thường xuyên hơn.

  • Yếu tố môi trường

Những triệu chứng của bệnh chàm có thể xảy ra khi có sự tác động của những yếu tố môi trường. Cụ thể như:

    • Khói
    • Không khí ô nhiễm
    • Những loại vải như len
    • Một số sản phẩm chăm sóc da
    • Xà phòng mạnh
    • Đổ nhiều mồ hôi do nhiệt độ và độ ẩm cao
    • Độ ẩm thấp (không khí khô)
    • Chạm vào thứ gì đó mà bạn bị dị ứng

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh chàm bao gồm:

+ Triệu chứng chung

  • Da khô và ngứa
  • Phát ban da
  • Xuất hiện những mảng da dày và sần sùi
  • Xuất hiện vết sưng trên da
  • Da bong tróc và có vảy
  • Sưng tấy

+ Viêm da cơ địa

  • Thường phát ban ở những vùng có nếp gấp (đầu gối, khuỷu tay...), phát ban ở trẻ thường ảnh hưởng đến đầu và má
  • Vùng da tổn thương tối màu hơn, nhạt màu hơn hoặc dày lên
  • Vùng phát ban xuất hiện mụn nước chứa đầy chất lỏng hoặc đóng vảy
  • Rỉ dịch màu trắng hoặc vàng khi mụn nước vỡ
  • Nhiễm trùng da khi gãi ngứa
  • Ngứa có thể khá nghiêm trọng
  • Da khô
  • Sưng và viêm
  • Rạn da

Da khô
Bệnh viêm da cơ địa khiến da khô ráp, nứt nẻ, sưng, viêm, phát ban có mụn nước

+ Viêm da tiếp xúc

  • Vùng da tổn thương có màu đỏ
  • Sưng, phồng rộp hoặc có dấu hiệu chảy nước
  • Có cảm giác châm chích hoặc nóng bỏng
  • Ngứa ngáy
  • Sưng hoặc có tổn thương da giống như tổ ong
  • Đau đớn

+ Bệnh chàm tổ đỉa

  • Xuất hiện những vết phồng rộp nhỏ ở lòng bàn chân, ngón tay và hai bên lòng bàn tay
  • Mụn nước gây đau đớn
  • Da ngứa
  • Xuất hiện vảy ở trên hoặc xung quanh mụn nước
  • Tăng mồ hôi xung quanh mụn nước
  • Da khô và nứt nẻ khi những nốt mụn nước mờ đi

+ Viêm da thần kinh

  • Xuất hiện những mảng da khô và đỏ màu
  • Trầy xước và ngứa
  • Đau vùng da tổn thương
  • Gãi nhiều lần gây vết thương hở, chảy máu và sẹo
  • Rụng tóc nếu bị ngứa và gãi trên da đầu.

+ Chàm đồng tiền

  • Tổn thương chàm dạng đồng tiền xuất hiện ở thân mình, bàn tay, cánh tay và chân
  • Xuất hiện vết sưng nhỏ hoặc mụn nước
  • Những vết sưng liên kết tạo thành hình dạng giống như đồng xu
  • Rò rỉ chất lỏng trong suốt
  • Hình vảy sau khi tiết dịch
  • Ngứa dữ dội
  • Có cảm giác bỏng hoặc châm chích
  • Những tổn thương có thể màu hồng, đỏ hoặc nâu, có thể sáng hoặc tối hơn da của bạn.

Tổn thương chàm dạng đồng tiền
Tổn thương chàm dạng đồng tiền, rò rỉ chất lỏng trong suốt kèm theo ngứa dữ dội hoặc nóng bỏng

+ Viêm da tiết bã

  • Xuất hiện những vảy da trắng ngứa trên da đầu (gàu)
  • Vảy trắng bong ra, rơi xuống cổ - vai hoặc trộn lẫn với tóc
  • Vảy đỏ trên da
  • Vảy vàng giòn trên đầu của trẻ sơ sinh
  • Viêm bờ mi, tổn thương đỏ có vảy xuất hiện trên những cạnh của mí mắt
  • Những mảng bong tróc ở chân tóc và trên ngực có hình cánh hoa
  • Những mảng vảy màu hồng nhạt ở hai bên mặt
  • Những nang lông bị viêm ở nửa trên của cơ thể hoặc viêm trên má
  • Đỏ ở nách, nếp gấp của bộ phận sinh dục và bên dưới ngực

Bệnh chàm được chẩn đoán khi kiểm tra triệu chứng. Trong quá trình này, vùng da bệnh được kiểm tra kỹ lưỡng để chẩn đoán loại tổn thương. Để xác định chẩn đoán, những xét nghiệm sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Sinh thiết da: Tế bào da ở vùng tổn thương được lấy ra và phân tích. Điều này giúp phân biệt những loại bệnh chàm hoặc phân biệt bệnh chàm với một tình trạng da khác.
  • Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu có thể giúp tìm kiếm nguyên nhân gây phát ban không do viêm da.
  • Thử nghiệm dị ứng: Xét nghiệm máu dị ứng cho phép xác định mức tăng kháng thể immunoglobulin E (IgE). Từ đó phát hiện dị ứng với phấn hoa, thực phẩm, vật nuôi hoặc những chất gây kích ứng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh chàm không lây nhiễm và không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh ảnh hường đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều khó chịu.

Khi không được kiểm soát tốt, bệnh chàm có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Tổn thương da vĩnh viễn (sẹo) gây mất thẩm mỹ
  • Ngứa mãn tính và da có vảy
  • Dị ứng thực phẩm
  • Hen suyễn
  • Sốt cỏ khô
  • Nhiễm trùng da
  • Lo lắng và trầm cảm

Điều trị

Phương pháp phù hợp sẽ được chỉ định dựa trên phân loại và mức độ nghiêm trọng. Một số phương pháp thường được áp dụng:

1. Thuốc

Bệnh nhân có thể được chỉ định những loại thuốc điều trị dưới đây:

  • Thuốc kháng histamin

Bệnh chàm thường được yêu cầu sử dụng thuốc kháng histamin để điều trị và ngăn những đợt bùng phát tiếp theo. Thuốc này có tác dụng làm giảm những phản ứng quá mức của cơ thể, giảm những triệu chứng do dị ứng gây ra gồm ngứa, phát ban da, hắt hơi...

Thuốc kháng histamin hoạt động bằng cách ngăn chặn những phản ứng bất lợi cho histamin gây ra. Những loại thường được sử dụng gồm Loratadin, Cetirizin...

Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin được dùng để giảm ngứa và ngăn những đợt bùng phát tiếp theo của chàm

  • Kem và thuốc mỡ Cortisone (Steroid)

Cortisone được dùng ở dạng thuốc mỡ hoặc kem bôi để điều trị tại chỗ các tổn thương. Thuốc có tác dụng giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy và đóng vảy.

Nếu thuốc mỡ Cortisone không mang đến hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc Corticosteroid đường uống.

  • Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị nhiễm trùng do bệnh chàm. Thuốc này có thể được dùng ở dạng kem bôi hoặc uống.

  • Thuốc ức chế miễn dịch

Một loại thuốc ức chế miễn dịch theo toa được sử dụng để ngăn những phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch. Từ đó ngăn ngừa những đợt bùng phát của bệnh chàm.

2. Trị liệu

Nếu bệnh chàm gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định những liệu pháp dưới đây:

  • Liệu pháp ánh sáng
  • Liệu pháp quang học
  • Sử dụng tia cực tím hoặc đèn chiếu nắng

Trị liệu giúp ngăn chặn những phản ứng thái quá dẫn đến bệnh chàm của hệ thống miễn dịch. Từ đó giảm bệnh chàm, ngăn những đợt bùng phát và ngăn nhiễm trùng da do vi khuẩn.

3. Chăm sóc tại nhà

Lối sống lành mạnh và các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng. Đồng thời ngăn bệnh chàm tái phát. Cụ thể:

  • Dùng kem dưỡng ẩm

Bệnh nhân bị chàm thường được yêu cầu dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm xong và da còn ẩm. Sản phẩm này có tác dụng giữ ẩm da, giảm khô và ngứa da. Từ đó giảm cảm giác khó chịu, giảm nguy cơ tái phát bệnh chàm và những tổn thương vĩnh viễn.

Dùng kem dưỡng ẩm
Dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm xong để giữ ẩm da, ngăn chàm, giảm khô và ngứa da

  • Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng khiến bệnh chàm tái phát hoặc những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế cần giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan và vui vẻ, tránh lo âu và căng thẳng.

Nếu căng thẳng quá mức, người bệnh có thể áp dụng một số cách giảm căng thẳng như ngồi thiền, tập thở sâu, yoga, nghe nhạc thư giãn, tăng chất lượng giấc ngủ.

  • Chườm lạnh

Dùng miếng gạc mát và ướt đặt lên những vùng da bị ảnh hưởng. Điều này có thể giúp giảm đau và ngứa hiệu quả.

Ngoài ra độ ẩm từ miếng gạc có thể giúp tăng hiệu quả điều trị của những loại kem. Miếng gạc có thể được giữ trong vòng vài giờ hoặc qua đêm.

  • Tắm nước ấm

Bệnh nhân bị chàm có thể giảm đau và ngứa bằng cách ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc tắm nước ấm, thực hiện trong vòng 15 đến 20 phút.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh chàm. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp hạn chế những đợt bùng phát của bệnh và tránh những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Thường xuyên giữ ẩm cho làn da bằng kem dưỡng. Tốt nhất nên thoa kem dưỡng ẩm lên da ngay sau khi tắm, 2 lần/ ngày.
  • Không đột ngột thay đổi về độ ẩm hoặc nhiệt độ.
  • Tránh những hoạt động có thể gây đổ mồ hôi hoặc ở trong phòng quá nóng. Mồ hôi có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng. Cố gắng giữ mát cho phòng ngủ và ngôi nhà, tạo cảm giác thoải mái.
  • Dành nhiều thời gian để thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực. Nên giữ tinh thần lạc quan.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tập yoga, ngồi thiền... để tăng lưu thông máu, nâng cao sức khỏe và kiểm soát căng thẳng.
  • Tránh tiếp xúc với những tác nhân có thể gây dị ứng hoặc kích ứng cho bạn. Chẳng hạn như nấm móc, vải len thô, sản phẩm tẩy rửa...
  • Không sử dụng chất tẩy rửa, xà phòng mạnh và dung môi.
  • Tránh những loại thực phẩm có thể gây dị ứng.
  • Giữ môi trường sống và làm việc luôn sạch sẽ. Ngoài ra nên sử dụng máy tạo độ ẩm để điều chỉnh không khí trong phòng ngủ.
  • Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Nên tắm bằng nước ấm thay vì nước nóng. Duy trì thời gian tắm trong 10 phút. Ngoài ra chỉ nên sử dụng những chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không có hương liệu và không có cồn.
  • Dùng khăn mềm lau khô hoặc vỗ nhẹ lên da.
  • Uống ít nhất 8 ly nước lọc mỗi ngày. Điều này giúp giữ ẩm cho làn da và phòng ngừa bệnh chàm.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, làm từ những chất liệu tự nhiên như cotton.
  • Nếu có tiền sử gia đình bị chàm, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 3 tháng đầu đời, tốt nhất là 1 năm. Điều này giúp xây dựng hệ thống miễn dịch cho trẻ. Ngoài ra cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng tiềm ẩn. Chẳng hạn như nấm mốc, ve và vật nuôi.

Trẻ em có nguy cơ bị chàm cần được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 1 năm đầu đời
Trẻ em có nguy cơ bị chàm cần được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 1 năm đầu đời để phòng ngừa bệnh

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân gây bệnh chàm của tôi là gì?

2. Bệnh chàm của tôi thuộc loại nào?

3. Phác đồ điều trị hiệu quả cho tình trạng của tôi là gì?

4. Tôi cần tránh những gì khi bị chạm?

5. Cách phòng ngừa tốt nhất cho những đợt bùng phát là gì?

6. Lợi ích và rủi ro tìm ẩn từ phương pháp điều trị là gì?

7. Có những phương pháp nào thay thế cho thuốc điều trị?

8. Không điều trị có sao không?

Không rõ nguyên nhân gây bệnh chàm. Tuy nhiên nhiều yếu tố có thể gây ra những đợt bùng phát của bệnh và khiến triệu chứng thêm nặng nề. Dựa trên tình trạng, bệnh nhân được dùng thuốc và chăm sóc da tại nhà để điều trị.