Căng Cơ Bắp Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Căng cơ bắp chân là tình trạng các cơ ở mặt sau của chân bị kéo căng. Tình trạng này có thể khiến cơ bị căng ở mức độ nhẹ hoặc rách hoàn toàn cơ. Chấn thương thường kèm theo đau nhức và khó thực hiện các chuyển động.

Tổng quan

Căng cơ bắp chân hay cơ bắp chân bị kéo là thuật ngữ chỉ tình trạng cơ bắp chân bị căng quá mức. Tình trạng này có thể ở mức độ nhẹ hoặc rách hoàn toàn cơ.

Căng cơ bắp chân
Căng cơ bắp chân là tình trạng cơ bắp chân bị căng quá mức, có thể dẫn đến rách hoàn toàn cơ

Cơ bắp chân nằm ở cẳng chân, phía sau xương chày (xương ống chân), bắt đầu từ gốc đùi kéo dài xuống gót chân. Chúng có chức năng cung cấp sức mạnh cho chân, giúp uốn cong và duỗi thẳng đầu gối, bàn chân và mắt cá chân một cách linh hoạt.

Cơ bắp chân bị kéo căng có thể gây đau, co thắt và co cứng cơ bắp. Điều này khiến bạn không thể chạy, nhảy, đi bộ hoặc thực hiện những hoạt động khác. Cơ bắp chân bị kéo căng nghiêm trọng có thể dẫn đến rách một phần hoặc toàn bộ cơ bắp. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật để điều trị.

Phân loại

Căng cơ bắp chân được phân thành cấp tính và mãn tính:

  • Cấp tính: Chấn thương do kéo quá mức trong thời gian ngắn.
  • Mãn tính: Cơ bắp chân bị kéo căng do chấn thương lâu dài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Căng cơ bắp chân xảy ra khi các cơ bên trong bị kéo căng quá mức do tập thể dục. Tình trạng này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Lạm dụng cơ bắp
  • Đột ngột di chuyển hoặc duỗi bắp chân quá mức sau khi đứng yên
  • Xoay nhanh, nhảy hoặc dừng đột ngột
  • Ngón chân bị ép hướng lên trên và về phía cơ thể trong khi mắt cá chân kéo cơ bắp chân xuống quá nhanh.

Đột ngột di chuyển hoặc duỗi bắp chân quá mức sau khi đứng yên
Đột ngột di chuyển hoặc duỗi bắp chân quá mức sau khi đứng yên dẫn đến căng cơ bắp chân

Căng cơ bắp chân là một chấn thương phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ ai, đặc biệt là những người chạy bộ, vận động viên đi với tốc độ nhanh và thực hiện nhiều động tác. Chẳng hạn như:

  • Vận động viên chạy nước rút
  • Người chơi quần vợt
  • Cầu thủ bóng đá

Ngoài ra những yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ:

  • Tuổi tác: Khi hoạt động thể chất, những người trên 40 tuổi sẽ có nhiều nguy cơ bị căng cơ bắp chân hơn.
  • Giới tính: Nam giới dễ bị chấn thương hơn so với nữ giới.
  • Chất lượng cơ bắp: Chấn thương thường phổ biến hơn ở những người có cơ bắp săn chắc hoặc ngắn.
  • Không điều hòa: Không điều hòa cơ bắp trước khi bắt đầu một mùa thể thao hoặc không làm nóng và kéo dài cơ bắp trước khi hoạt động thể chất sẽ khiến bạn dễ bị chấn thương cơ bắp chân hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của căng cơ bắp chân xảy ra đột ngột, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Đau nhức và có cảm giác bị kéo đột ngột ở nửa dưới của chân
  • Có thể đi bộ với sức căng nhẹ nhưng không thoải mái
  • Sưng nhẹ ở cơ bắp chân
  • Đỏ và bầm tím trên cơ bắp chân
  • Khó đứng nhón chân hoặc căng cơ bắp chân
  • Đau cơ khi uốn cong ngón chân hoặc uốn cong mắt cá chân
  • Khó uốn cong đầu gối
  • Có cảm giác lộp bộp hoặc lạo xạo ở bắp chân
  • Không thể tiếp tục hoạt động hiện tại ngay sau khi bị thương

Triệu chứng do chấn thương nghiêm trọng hơn:

  • Đau nhói
  • Không thể đi lại được
  • Cơ bắp chân bị rách nhô ra bên dưới da, tạo ra một vết sưng hoặc một điểm bất thường có thể nhìn thấy được.

Đau nhức và có cảm giác bị kéo đột ngột ở nửa dưới của chân
Căng cơ bắp chân gây đau nhức, sưng nhẹ và có cảm giác bị kéo đột ngột ở nửa dưới của chân

Để chẩn đoán căng cơ bắp chân, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, xem xét vùng ảnh hưởng và các triệu chứng. Ngoài ra người bệnh sẽ được yêu cầu mô tả chi tiết chấn thương. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và đánh giá tình trạng.

Sau kiểm tra lâm sàng, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm giúp xem xét bất kỳ vết rách nào trong cơ bắp chân. Đồng thời loại trừ những tình trạng gây đau chân dưới, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và đứt gân Achilles.

Những xét nghiệm thường được thực hiện gồm:

  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm giúp kiểm tra chất lỏng tích tụ xung quanh cơ hoặc vết rách trong cơ. Đồng thời đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) nhằm kiểm tra cục máu đông, chảy máu trong hoặc vết rách. Từ đó phân biệt căng cơ bắp chân với những tình trạng nghiêm trọng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Điều trị kịp thời rất quan trọng đối với quá trình phục hồi tổng thể sau căng cơ bắp chân. Phần lớn các trường hợp đều nhẹ. Tuy nhiên việc di chuyển xung quanh quá sớm có thể khiến căng cơ và đau trở nên tồi tệ hơn. Để phòng ngừa, cần đảm bảo đủ thời gian phục hồi.

Nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách tại nhà có thể giúp giảm đau và phục hồi. Sau khoảng 3 ngày, những triệu chứng có thể thuyên giảm và người bệnh bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên mất khoảng vài tuần để cơ bắp có thể hồi phục hoàn toàn.

Nếu chấn thương nặng, cơ bắp chân có thể bị rách. Những trường hợp này cần được điều trị bằng phẫu thuật. Hầu hết các trường hợp mất từ 2 - 4 tháng để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật.

Khi không được điều trị đúng cách, căng cơ bắp chân có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Căng cơ bắp chân tái phát trong vòng 1 - 2 tuần sau chấn thương ban đầu. Có khoảng 30% trường hợp bị chấn thương lặp đi lặp lại
  • Rách cơ hoàn toàn
  • Dị tật hoặc đi khập khiễng
  • Không thể trở lại các hoạt động thể chất ưa thích
  • Đau mãn tính.

Điều trị

Căng cơ nhẹ ở bắp chân có thể hết trong vài ngày. Những trường hợp này chủ yếu được yêu cầu nghỉ ngơi, dùng thuốc và áp dung những biện pháp chăm sóc tại nhà

Nếu chấn thương gây rách cơ bắp chân, phẫu thuật được cân nhắc nhằm sửa chữa các cơ, giúp người bệnh có thể trở lại những hoạt động thể chất bình thường.

1. Phương pháp RICE

Khi bị căng cơ bắp chân, phương pháp RICE cần được thực hiện ngay lập tức để giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chấn thương thêm. Phương pháp này gồm những bước sau:

  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi ngay sau khi chấn thương xảy ra. Ngừng chạy và hoạt động thể chất để không làm nặng hơn tình trạng. Ngoài ra việc nghỉ ngơi đầy đủ còn giúp giảm đau và cơ bắp có thời gian lành lại. Chỉ trở lại sinh hoạt và tập luyện bình thường sau khi bắp chân đã hoàn toàn hết đau và sưng.
  • Chườm đá: Dùng gạc lạnh hoặc túi nước đá đặt lên bắp chân bị thương, giữ nguyên trong 20 phút, mỗi 2 giờ 1 lần. Biện pháp này giúp giảm đau, viêm và sưng hiệu quả. Chú ý không chườm đá trực tiếp lên da.
  • Nén: Dùng băng ép hoặc quấn lên vùng bị thương. Biện pháp này giúp giảm tích tụ chất lỏng và giảm sưng sau chấn thương hiệu quả.
  • Nâng cao chân: Bất cứ khi nào có thể, hãy nâng chân của bạn lên một vị trí cao hơn tim. Biện pháp này giúp bắp chân được thư giãn, giảm đau và giảm tích tụ chất lỏng. Có thể dùng chăn, gối hoặc nệm để hỗ trợ toàn bộ chiều dài của chân.

Nâng cao chân
Biện pháp nâng cao chân giúp thư giãn bắp chân, giảm đau và giảm tích tụ chất lỏng

Trong vòng 3 - 5 ngày đầu sau chấn thương, người bệnh cần tránh:

  • Đi bộ hoặc thực hiện những hoạt động thể chất
  • Chườm nóng vùng bị thương
  • Xoa bóp bắp chân
  • Uống rượu.

2. Động tác kéo dài cơ bắp chân

Không nên tiếp tục hoạt động bình thường cho đến khi cơ bắp tổn thương lành lại. Tuy nhiên một số động tác kéo dài có thể mang đến nhiều lợi ích trong quá trình nghỉ ngơi.

Những động tác giãn cơ có tác dụng cải thiện sự linh hoạt và tính ổn định cho khớp gối và mắt cá chân. Ngoài ra những động tác này còn giúp phục hồi cơ bắp bị ảnh hưởng và tăng cường sức mạnh.

Trong quá trình phục hồi cơ bắp chân tại nhà, người bệnh có thể thử một số bài tập dưới đây:

  • Giãn cơ trên ghế: Ngồi trên ghế ổn định, nhẹ nhàng uốn cong và duỗi thẳng đầu gối. Lặp lại 10 lần.
  • Giãn cơ với tường: Đứng đối mặt với bức tường, nâng cao hai cánh tay sao cho bàn tay áp sát vào tường và cánh tay ngang vai. Chân bị đau đặt ra sau và duỗi thẳng, gót chân ấn xuống mặt đất. Chân còn lại bước lên trên, cong đầu gối một góc 90 độ. Giữ nguyên tư thế nào trong 30 giây. Thường xuyên lặp lại trong ngày nếu cảm thấy thoái mái.
  • Giãn cơ trên sàn: Ngồi trên sàn, duỗi thẳng chân bị ảnh hưởng, cong bàn chân với gót chân đặt xuống sàn. Nhẹ nhàng hướng các ngón chân về phía thân người trong 5 giây, lặp lại tối đa 10 lần.
  • Đứng giãn cơ: Bám vào một chiếc ghế chắc chắn, nhón chân (đứng trên các ngón chân) trong 5 giây. Lặp lại 4 lần mỗi đợt, hai đợt mỗi ngày.

3. Dùng thuốc

Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê toa hoặc thuốc kê toa toa theo chỉ định của bác sĩ. Những loại thường dùng gồm:

Acetaminophen
Acetaminophen là thuốc giảm đau không kê đơn được dùng cho những cơn đau nhẹ

  • Acetaminophen: Đây là thuốc giảm đau không kê toa thường được sử dụng. Thuốc này thích hợp với những người có cơn đau nhẹ và vừa, đặc biệt là sau chấn thương. Acetaminophen có tác dụng điều trị đau và hạ sốt.
  • Ibuprofen: Đây là một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thuốc có tác dụng điều trị viêm, giảm sưng và giảm các cơn đau ở mức độ vừa.
  • Thuốc giãn cơ: Nếu đau không giảm khi dùng thuốc khác, bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc giãn cơ phù hợp. Thuốc có tác dụng giảm co thắt cơ và xoa dịu cơn đau nhanh chóng.
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid: Nếu đau nhức nhiều do chấn thương nghiêm trọng, Một loại thuốc giảm đau mạnh hơn như opioid sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng khắc phục những cơn đau nặng, điều trị không hiệu quả với những loại thuốc khác. Tuy nhiên opioid chỉ được sử dụng tạm thời và liều thấp trước khi có những phương pháp điều trị khác.

4. Vật lý trị liệu

Nếu căng cơ bắp chân nặng và không cải thiện sau vài ngày điều trị, người bệnh có thể được vật lý trị liệu. Phương pháp này gồm những bài tập giúp kéo dài và thư giãn cơ bắp chân, giảm đau và cải thiện chức năng vận động sau chấn thương.

Sau khi đau giảm, bác sĩ chuyên khoa có thể hướng dẫn các bài tập tăng cường cơ bắp. Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh và cơ bắp phục hồi hoàn toàn sau chấn thương. Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn cách trở lại các hoạt động thể chất mà không gây đau, ngăn chấn thương tái phát.

5. Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi:

  • Rách cơ bắp chân
  • Chấn thương nặng và điều trị bảo tồn không hiệu quả.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiến hành nối các đầu cơ bắp bị rách để sửa chữa và phục hồi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu thích hợp. Người bệnh thường mất từ vài tuần đến 4 tháng để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa căng cơ bắp chân xảy ra và tái phát, bạn có thể ngăn ngừa bằng những cách sau:

Khởi động kỹ lưỡng ít nhất 5 phút và duỗi chân vài lần trước khi tập thể dục
Khởi động kỹ lưỡng ít nhất 5 phút và duỗi chân vài lần trước khi tập thể dục để ngăn chấn thương

  • Làm nóng và khởi động kỹ lưỡng, ít nhất 5 phút trước khi tập thể dục. Đặc biệt nên thực hiện những động tác kéo dài sâu.
  • Duỗi chân vài lần trước khi tập thể dục.
  • Cần hạ nhiệt trong vòng 5 phút sau khi tập thể dục xong.
  • Sau khi đã hạ nhiệt, cần kéo căng cơ một lần nữa trong vòng 5 phút.
  • Giữ cho cơ bắp chân của bạn khỏe mạnh và điều hòa bằng cách thường xuyên kéo dài, tập thể dục đều đặn và uống đủ nước.
  • Không cố gắng vượt qua nổi đau để tiếp tục những hoạt động.
  • Thường xuyên nghỉ ngơi và phục hồi, cách mỗi 60 phút 1 lần hoặc giữa những buổi tập.
  • Mang giày thích hợp và vừa vặn, có khả năng hỗ trợ bàn chân và chân khi chơi thể thao.
  • Luôn thực hiện đúng kỹ thuật khi chơi thể thao
  • Nếu bị căng cơ bắp chân, người bệnh cần tránh di chuyển xung quanh quá sớm, cho phép vết thương phục hồi hoàn toàn trước khi trở lại thể thao và các hoạt động bình thường. Điều này giúp ngăn ngừa căng cơ tái phát.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng?

2. Phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất là gì?

3. Mất bao lâu để điều trị và phục hồi?

4. Tôi có thể tiếp tục chơi thể thao và các hoạt động thể chất bình thường hay không?

5. Mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật?

6. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa chấn thương tái phát?

7. Cần tránh những gì trong khi điều trị và phục hồi?

Căng cơ bắp chân thường nhẹ nhưng dễ tái phát, cần nhiều thời gian nghỉ ngơi để phục hồi hoàn toàn. Những trường hợp nặng, có rách cơ nên tiến hành phẫu thuật theo chỉ định. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi đầy đủ, điều trị sớm và đúng cách để khắc phục tình trạng.