Bệnh Buồng Trứng Đa Nang

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Buồng trứng đa nang là một dạng rối loạn nội tiết tố khiến nữ giới không có kinh nguyệt thường xuyên hoặc kinh nguyệt kéo dài nhiều ngày, androgen dư thừa. Với bệnh lý này, buồng trứng to bất thường, chứa nhiều túi chứa đầy chất lỏng quanh trứng.

Tổng quan

Buồng trứng đa nang hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh gây rối loạn kinh nguyệt, tăng androgen, ảnh hưởng đến buồng trứng và khả năng sinh sản.

Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là một tình trạng làm mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng đến buồng trứng

Trong bệnh lý này, người bệnh sẽ có ít nhất 2 trong 3 đặc điểm dưới đây:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Buồng trứng không giải phóng trứng thường xuyên khiến kinh nguyệt không đều, nữ giới không có kinh thường xuyên hoặc có kinh kéo dài.
  • Androgen dư thừa: Trứng sản xuất estrogen, progesterone và một lượng nhỏ androgen (hormone nam). Khi bị buồng trứng đa nang, androgen được sản xuất nhiều hơn dẫn đến dư thừa. Điều này khiến lông trên cơ thể và mặt mọc nhiều hơn.
  • Buồng trứng đa nang: Buồng trứng to ra bất thường, xuất hiện những túi chứa đầy chất lỏng và bao quanh trứng. Những túi này thường không thể giải phóng trứng khiến cho quá trình rụng trứng ở nữ giới không diễn ra.

Bệnh thường gây ra những dấu hiệu rõ ràng nên có thể được nhận biết sớm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây buồng trứng đa nang chưa được tìm ra. Tuy nhiên bệnh có thể phát triển khi có một số yếu tố dưới đây:

  • Kháng insulin: Insulin là hormone do tuyến tụy tạo ra, có chức năng cho phép những tế bào sử dụng đường. Khi những tế bào kháng insulin, đường trong máu tăng cao khiến cơ thể tạo ra nhiều insulin nhằm giảm đường trong máu. Tuy nhiên quá nhiều insulin làm tăng quá trình sản xuất androgen và ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.
  • Dư thừa androgen: Buồng trứng sản xuất nhiều androgen làm cản trở sự rụng trứng. Điều này khiến trứng không phát triển bình thường và không giải phóng khỏi những nang trứng.
  • Viêm cấp thấp: Viêm cấp thấp là là quá trình tạo ra những chất đáp ứng với chấn thương và nhiễm trùng của những tế bào bạch cầu. Điều này thường xảy ra ở những người mắc PCOS khiến buồng trứng sản xuất nhiều nội tiết tố nam hơn.
  • Di truyền: Những gen liên kết với PCOS có thể di truyền từ ông bà hoặc cha mẹ sang con cháu.
  • Chế độ ăn nhiều tinh bột: Một chế độ ăn nhiều tinh bột có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thừa cân béo phì: Cân nặng dư thừa làm tăng viêm và tăng lượng insulin. Từ đó làm tăng quá trình sản xuất androgen.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của buồng trứng đa nang thường bắt đầu vào chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Một số trường hợp khác có những triệu chứng bắt đầu sau một thời gian có kinh nguyệt.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường bao gồm:

Không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều
Không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều là triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang

  • Không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều
  • Kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài
  • Nhiều lông trên mặt và cơ thể
  • Nổi mụn trứng cá và da nhờn
  • Đau vùng chậu
  • Khó mang thai
  • Có những mảng da dày và sẫm màu
  • Tăng cân
  • Tóc mỏng và rụng
  • Thường xuyên thay đổi tâm trạng
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng chậu

Ngoài kiểm tra triệu chứng, bệnh buồng trứng đa nang được chẩn đoán bằng cách khám vùng chậu và xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể:

  • Khám vùng chậu: Bác sĩ khám vùng chậu nhằm tìm khối u và những thay đổi khác ở khu vực này.
  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm giúp kiểm tra độ dày của niêm mạc tử cung và hình dạng của buồng trứng. Bệnh nhân có thể được siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm đầu dò.
  • Xét nghiệm máu: Mẫu máu được lấy ra để đo nồng độ hormone. Điều này giúp tìm kiếm những dấu hiệu của bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh buồng trứng đa nang gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe tổng thể và khả năng sinh sản. Bao gồm:

  • Vô sinh
  • Tiểu đường thai kỳ hoặc huyết áp cao khi mang thai
  • Sinh non hoặc sảy thai
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Rối loạn ăn uống
  • Trầm cảm hoặc lo lắng
  • Ung thư nội mạc tử cung (ung thư niêm mạc tử cung)
  • Bệnh tim

Tiên lượng tăng lên và những biến chứng có thể được ngăn ngừa nếu bệnh nhân được điều trị sớm.

Điều trị

Có nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh buồng trứng đa nang. Để giảm nhanh các triệu chứng, những phương pháp dưới đây có thể được áp dụng (chỉ định dựa trên tình trạng):

1. Thuốc

Bệnh buồng trứng đa nang và các triệu chứng thường được điều trị bằng những loại thuốc sau:

Thuốc tránh thai chứa estrogen và progestin
Thuốc tránh thai chứa estrogen và progestin có khả năng điều chỉnh estrogen và giảm androgen

  • Thuốc tránh thai chứa estrogen và progestin: Dùng thuốc tránh thai tổng hợp giúp điều chỉnh estrogen và giảm quá trình sản xuất androgen. Từ đó giảm các triệu chứng gồm chảy máu bất thường, nổi mụn, rụng tóc... Đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung.
  • Liệu pháp progestin: Progestin được dùng để điều hòa kinh nguyệt và giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Thuốc kháng estrogen: Một loại thuốc kháng estrogen như clomiphene đường uống được dùng để giúp bạn rụng trứng và cải thiện khả năng mang thai.
  • Letrozole (Femara): Đôi khi Letrozole (Femara) được dùng để cải thiện khả năng mang thai bằng cách kích thích buồng trứng.
  • Metformin: Đây là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Thuốc có tác dụng làm giảm mức insulin và cải thiên tình trạng kháng insulin của những tế bào. Đôi khi Metformin được dùng thay thế Progestin để tăng khả năng rụng trứng.
  • Gonadotropin: Ở những trường hợp nặng, Gonadotropin có thể được dùng ở dạng tiêm để cải thiện khả năng mang thai.

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Bên cạnh thuốc, bệnh nhân được hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc tại nhà nhằm giảm triệu chứng của buồng trứng đa nang. Bao gồm:

  • Giữ cân nặng khỏe mạnh: Những người thừa cân béo phì được yêu cầu giảm cân để giảm lượng insulin và androgen. Đồng thời cải thiện rụng trứng và ngăn một số biến chứng của bệnh.
  • Vận động và tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục để duy trì sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin và giảm lượng đường trong máu. Điều này giúp giảm bớt các triệu chứng, ngăn biến chứng của bệnh buồng trứng đa nang.
  • Chế độ ăn lành mạnh: Ăn uống đủ chất, tiêu thụ những loại thực phẩm tươi và lành mạnh để duy trì những hoạt động bình thường của cơ thể. Ngoài ra người bệnh cần hạn chế carbohydrate hoặc lựa chọn carbohydrate phức hợp. Bởi ăn nhiều chất này có thể làm tăng insulin và lượng đường trong máu.

Chế độ ăn lành mạnh, ít carbohydrate
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh và ít carbohydrate giúp kiểm soát insulin và lượng đường trong máu

3. Phẫu thuật

Đôi khi phương pháp phẫu thuật nội soi buồng trứng được áp dụng để cải thiện khả năng sinh sản cho bệnh nhân. Trong quá trình này, thiết bị mổ nội soi tiếp cận buồng trứng thông qua vết mổ nhỏ. Sau đó cắt góc buồng trứng để giúp quá trình rụng trứng diễn ra dễ dàng.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân được phẫu thuật đốt điểm buồng trứng. Trong đó những lỗ nhỏ được tạo ra ở buồng trứng giúp giảm nồng độ androgen và kích thích rụng trứng.

4. Thụ tinh ống nghiệm IVF

Nếu không thể mang thai tự nhiên, bệnh nhân bị buồng trứng đa nang có thể được hướng dẫn thụ tinh ống nghiệm IVF. Trong đó trứng của vợ và tinh trùng của chồng được lấy ra để tiến hành thụ tinh và tạo thành phôi thai.

Sau khi ổn định, phôi thai sẽ được đưa vào tử cung của người vợ. Từ đó giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Thụ tinh ống nghiệm IVF
Thụ tinh ống nghiệm IVF cho những trường hợp không thể mang thai tự nhiên

Phòng ngừa

Bệnh buồng trứng đa nang và những biến chứng có thể được ngăn ngừa bằng những biện pháp sau:

  • Luôn giữ cân nặng ở mức hợp lý.
  • Tránh chế độ ăn uống chứa nhiều carbohydrate.
  • Nên ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, trái cây, thịt nạc... để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất béo lành mạnh và những thành phần cần thiết khác cho sức khỏe.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Điều này giúp phát hiện buồng trứng đa nang trong giai đoạn sớm nhất và có những phương pháp điều trị hiệu quả.
  • Thường xuyên tập thể dục, mỗi ngày tối thiểu 30 phút. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát cân nặng, duy trì các hoạt động bình thường trong cơ thể. Ngoài ra tăng cường vận động thể chất giúp giảm đường huyết và ngăn ngừa kháng insulin.

Thường xuyên tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục 30 - 60 phút/ ngày giúp duy trì cân nặng, giảm nguy cơ buồng trứng đa nang

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh buồng trứng đa nang của tôi nghiêm trọng như thế nào?

2. Tôi có khả năng sinh con bình thường không?

3. Cách điều trị tốt nhất cho tình trạng của tôi là gì?

4. Nên làm gì và tránh gì khi bị buồng trứng đa nang?

5. Bệnh buồng trứng đa nang được điều trị trong bao lâu?

6. Tiên lượng của tôi là gì?

7. Tôi nên làm gì để mang thai?

Bệnh buồng trứng đa nang và những triệu chứng không chỉ ảnh hưởng đến sinh sản mà còn làm giảm sức khỏe tổng thể và gây ra nhiều biến chứng. Để tăng khả năng sinh con và giảm các triệu chứng, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.