Bong Gân Cổ Tay

Bong gân cổ tay xảy ra khi dây chằng ở cổ tay bị thương. Chấn thương thường do uốn cong hoặc xoắn mạnh khiến dây chằng bị căng và rách. Triệu chứng thường bao gồm sưng, bầm tím và đau.

Tổng quan

Bong gân cổ tay là tình trạng dây chằng hỗ trợ cổ tay bị kéo căng và rách. Điều này thường xảy ra sau khi xoắn mạnh hoặc uốn cong cổ tay quá giới hạn, chẳng hạn như ngã vào bàn tay đang dang ra.

Bong gân cổ tay
Bong gân cổ tay là một chấn thương xảy ra khi dây chằng hỗ trợ cổ tay bị kéo căng và rách

Dây chằng là dải mô sợi chắc khỏe, giúp kết nối các xương tạo nên khớp. Đồng thời giữ xương ở đúng vị trí và duy trì sự ổn định cho khớp. Cổ tay có 20 dây chằng hỗ trợ 8 xương nhỏ tạo nên khớp cổ tay.

Khi có những chuyển động kéo căng dây chằng vượt quá giới hạn, chúng sẽ bị tổn thương. Hầu hết trường hợp bị bong gân cổ tay ở mức độ nhẹ. Một số người bị bong gân nặng với dây chằng bị rách.

Phân loại

Dựa trên mức độ chấn thương dây chằng, bong gân cổ tay được phân loại như sau:

  • Độ 1: Mức độ nhẹ nhất của chấn thương. Trong đó dây chằng bị căng nhẹ và không rách.
  • Độ 2: Bong gân ở mức độ trung bình với dây chằng cổ tay bị rách một phần. Chấn thương gây đau, bầm tím và sưng cổ tay đáng kể. Ngoài ra người bệnh còn bị mất một số chức năng ở cổ tay bị thương.
  • Độ 3: Đây là mức độ nặng nhất. Trong đó dây chằng cổ tay bị rách hoàn toàn hoặc đứt khỏi phần bám vào xương. Chấn thương gây đau nhiều, sưng, bầm tím hoặc tụ máu ở cổ tay, đôi khi dây chằng tách khỏi xương kéo theo một mảnh xương nhỏ, được gọi là gãy xương do giật.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bong gân cổ tay xảy ra khi dây chẳng cổ tay bị xoắn hoặc kéo căng quá mức. Hầu hết trường hợp liên quan đến ngã vào bàn tay đang dang rộng, thường trong tai nạn xe cộ hoặc chấn thương thể thao.

Ngã vào bàn tay đang dang rộng
Ngã vào bàn tay đang dang rộng liên quan đến hầu hết trường hợp bong gân cổ tay

Chấn thương thường gặp ở những người chơi một số môn thể thao dưới đây, gồm:

  • Trượt băng
  • Bóng rổ
  • Khúc côn cầu
  • Trượt tuyết
  • Thể dục dụng cụ

Triệu chứng và chẩn đoán

Bong gân cổ tay có những triệu chứng sau:

  • Đau cổ tay, đặc biệt là khi cử động hoặc chạm vào vùng bị thương
  • Bầm tím
  • Sưng tấy
  • Sờ thấy ấm
  • Hạn chế phạm vi chuyển động
  • Cổ tay không ổn định

Để chẩn đoán bong gân cổ tay, người bệnh được hỏi về cách chấn thương xảy ra, sau đó xem xét các triệu chứng. Bác sĩ kiểm tra cẩn thận cổ tay để xác định vị trí đau, cách cổ tay di chuyển, đồng thời ấn nhẹ xác định dây chằng bị thương. Ngoài ra cánh tay và bàn tay cũng được kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo không có tổn thương khác.

Sau kiểm tra thể chất, các xét nghiệm hình ảnh sẽ được yêu cầu để xác nhận và đánh giá chi tiết tổn thương.

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này giúp kiểm tra xương, xem liệu các xương ở cổ tay có bị gãy hay không. Đôi khi xương cổ tay không thẳng hàng có thể gợi ý tổn thương ở dây chằng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh của mô mềm, giúp xác định nhanh dây chằng bị thương. Kỹ thuật này cũng giúp đánh, phân biệt bong gân cổ tay với những tổn thương khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Đôi khi bệnh nhân được chụp CT để đánh giá thêm về tổn thương.

Biến chứng và tiên lượng

Những biến chứng của bong gân cổ tay gồm:

  • Gãy xương, chẳng hạn như gãy xương Smith và gãy xương Colles
  • Chấn thương gân
  • Căng cơ
  • Tổn thương thần kinh
  • Viêm khớp cổ tay

Điều trị tốt có thể ngăn biến chứng và tránh chấn thương tái phát trong tương lai. Hầu hết bệnh nhân bị bong gân cổ tay sẽ phục hồi hoàn toàn sau 1 - 3 tuần đối với trường hợp nhẹ, 4 - 6 tuần đối với trường hợp trung bình 2 - 3 tháng đối với trường hợp nặng.

Điều trị

Bong gân cổ tay thường khỏi nhanh khi điều trị bảo tồn. Đối với chấn thương độ 3, cần phẫu thuật sửa chữa dây chằng bị thương.

1. Điều trị không phẫu thuật

Bong gân cổ tay được điều trị bằng những phương pháp sau:

+ Phương pháp RICE 

Áp dụng phương pháp RICE ngay sau chấn thương có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng.

Nghỉ ngơi và chườm đá giúp giảm sưng và đau ở cổ tay
Nghỉ ngơi và chườm đá vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm sưng và đau ở cổ tay

  • Nghỉ ngơi: Giữ cổ tay nghỉ ngơi có thể giúp dây chằng bị thương phục hồi. Không thực hiện những hoạt động gây đau hoặc khiến cổ tay bị tổn thương thêm.
  • Chườm đá: Bọc túi nước đá trong một chiếc khăn mỏng, đặt lên cổ tay 15 phút, lặp lại 3 - 4 giờ 1 lần. Điều này giúp giảm đau và sưng do chấn thương.
  • Nén: Dùng băng thun quấn quanh cổ tay để nén nhẹ. Biện pháp này có thể giúp giảm sưng. Không nén quá chật để tránh ảnh hưởng đến lưu thông máu.
  • Nâng cao: Giữ cổ tay cao hơn mức tim khi nghỉ ngơi (đặc biệt là vào ban đêm). Thực hiện thường xuyên giúp hạn chế tích tụ chất lỏng, giảm sưng ở vùng bị thương.

+ Thuốc

Dùng NSAID không kê đơn (như Naproxen, Ibuprofen...) hoặc Acetaminophen để giảm đau và viêm. Những loại thuốc này thường kiểm soát tốt cơn đau do bong gân cổ tay gây ra.

+ Nẹp

Nếu những triệu chứng không giảm, bác sĩ có thể đề nghị đeo nẹp hoặc nén cổ tay. Thiết bị này giúp giữ cổ tay ở vị trí trung lập trong khi dây chằng bị thương lành lại. Từ đó giảm đau và ngăn tổn thương thêm.

Nén nhẹ bằng băng thun hoặc nẹp
Nén nhẹ bằng băng thun hoặc nẹp để cố định cổ tay và giảm sưng sau chấn thương

+ Vật lý trị liệu

Những bài tập nhẹ nhàng và thích hợp sẽ được hướng dẫn ngay khi sưng và đau giảm. Những bài tập này giúp cải thiện phạm vi cho cổ tay, tăng cường cơ bắp và dây chằng hỗ trợ. Vận động trị liệu cũng giúp giữ cho khớp được ổn định, tăng sự linh hoạt và giảm đau.

2. Phẫu thuật

Hiếm khi bong gân cổ tay được điều trị bằng phẫu thuật. Nhưng nếu dây chằng bị đứt hoàn toàn, phẫu thuật sẽ được thực hiện để sửa chữa tổn thương.

Bệnh nhân thường được phẫu thuật nội soi khớp. Trong quy trình này, bác sĩ tạo một vết cắt nhỏ, đưa máy soi khớp vào trong để kiểm tra xương và dây chằng. Sau cùng đưa những dụng cụ phẫu thuật thu nhỏ vào trong, sửa chữa dây chằng và khớp (nếu cần thiết).

Phẫu thuật mở được chỉ định cho những trường hợp có chấn thương nặng hơn. Trong khi thực hiện, bác sĩ tạo một đường mổ ở phía sau cổ tay, sau đó cố định xương và sửa chữa dây chằng.

Phòng ngừa

Những lưu ý giúp giảm nguy cơ bong gân cổ tay:

  • Khởi động kỹ lưỡng, kéo giãn gân cơ trước khi chơi thể thao hoặc tập luyện.
  • Dùng thiết bị thể thao phù hợp.
  • Mang thiết bị bảo hộ an toàn khi cần thiết.
  • Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu, hãy dừng các hoạt động để cổ tay có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Hạ nhiệt và giãn cơ sau khi kết thúc hoạt động thể chất.
  • Không tập luyện gắng sức. Nên dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ sau những buổi luyện tập cường độ cao.
  • Tránh té ngã bằng cách:
    • Không đi, chạy hoặc tập luyện ở những nơi có địa hình trơn trượt, không bằng phẳng.
    • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và nơi làm việc, tránh các vật dụng có thể cản trở đường đi và gây vấp ngã.
    • Mang giày dép vừa vặn, thích hợp với từng hoạt động. Hạn chế mang giày cao gót.
    • Tránh leo trèo, với lấy đồ vật trên cao. Nên dùng thiết bị hoặc những dụng cụ thích hợp.
    • Dùng thiết bị hỗ trợ (gậy hoặc khung tập đi) đối với những người có nguy cơ té ngã cao.

Khởi động kỹ lưỡng, kéo giãn gân cơ trước khi hoạt động thể chất
Khởi động kỹ lưỡng, kéo giãn gân cơ trước khi hoạt động thể chất để duy trì sự linh hoạt, giảm chấn thương

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị bong gân cổ tay hay có một chấn thương khác?

2. Điều trị bằng phương pháp nào?

3. Có cần phẫu thuật hay không?

4. Nên làm gì để chăm sóc cổ tay bị thương?

5. Mất bao lâu để phục hồi?

6. Khi nào có thể tiếp tục hoạt động thể chất trở lại?

7. Tôi có thể làm gì để ngăn chấn thương tái phát?

Bong gân cổ tay thường nhẹ, có thời gian phục hồi nhanh và không cần phẫu thuật. Tuy nhiên cần điều trị đúng cách để tránh tổn thương thêm và ngăn phát triển các biến chứng.