Bong Gân Cổ Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bong gân cổ chân là một chấn thương thường gặp, trong đó một hoặc nhiều dây chằng ở cổ chân bị kéo căng nghiêm trọng và bị rách. Tùy thuộc vào mức độ rách và số lượng dây chằng liên quan, tình trạng này có thể nhẹ hoặc rất nặng.

Tổng quan

Bong gân cổ chân là tình trạng dây chằng khỏe hỗ trợ cổ chân bị kéo căng và bị rách. Tùy thuộc vào lực tác động, một hoặc nhiều dây chằng có thể bị rách đồng thời, rách một phần hoặc hoàn toàn, đôi khi kèm theo gãy xương.

Bong gân cổ chân
Bong gân cổ chân xảy ra khi dây chằng ở cổ chân bị kéo căng nghiêm trọng và bị rách

Dây chằng cổ chân là những dải mô cứng, giữ xương mắt cá chân lại với nhau. Nó cũng giúp ổn định khớp, ngăn những chuyển động quá mức.

Bong gân cổ chân xảy ra khi cổ chân đột ngột lăn, vặn hoặc xoay quá mức, buộc dây chằng căng ra và vượt khỏi phạm vi chuyển động bình thường. Hầu hết trường hợp có chấn thương làm rách dây chằng ở mặt ngoài của mắt cá chân.

Phân loại

Bong gân cổ chân được phân thành nhiều loại dựa trên mức độ nghiêm trọng.

  • Cấp 1: Mức độ nhẹ nhất của bong gân. Trong đó những sợi dây chằng ở cổ chân bị giãn nhẹ, không bị rách hoặc có vết rách rất nhỏ. Chấn thương khiến cổ chân sưng nhẹ kèm theo đau khi chạm vào. Thường mất 1 - 3 tuần để phục hồi.
  • Cấp 2: Bong gân mức độ trung bình. Trong đó những sợi dây chằng ở cổ chân bị rách nhưng không hoàn toàn. Chấn thương khiến mắt cá chân sưng tấy, đau khi di chuyển và mang vật nặng, có thể bầm tím, mất ổn định khớp từ nhẹ đến trung bình. Mất khoảng 3 - 6 tuần để phục hồi.
  • Cấp 3: Bong gân mức độ nặng, dây chằng ở cổ chân bị rách hoàn toàn. Chấn thương khiến mắt cá chân sưng tấy đáng kể, rất đau, không thể đi lại hoặc chịu trọng lượng, khớp mất chức năng và phạm vi chuyển động. Thường cần vài tháng để phục hồi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bong gân cổ chân thường là kết quả của chấn thương xoắn, lăn bàn chân hoặc mắt cá chân. Chấn thương xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Vấp ngã hoặc rơi trên bề mặt không bằng phẳng
  • Mất thăng bằng
  • Tiếp đất không chính xác hoặc lúng túng sau khi nhảy hoặc xoay
  • Tập thể dục hoặc thường xuyên đi bộ trên những bề mặt không bằng phẳng
  • Tham gia những môn thể thao đòi hỏi người chơi thường xuyên cắt, nhảy, kkhiến bàn chân vặn hoặc lăn, chẳng hạn như bóng đá, quần vợt, bóng rổ, chạy đường mòn...
  • Bị giẫm hoặc đáp lên chân trong khi chơi thể thao.

Những hoạt động khiến bàn chân hoặc mắt cá chân lăn, xoắn hoặc vặn
Những hoạt động khiến bàn chân hoặc mắt cá chân lăn, xoắn hoặc vặn sẽ dẫn đến bong gân cổ chân

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Vận động viên hoặc thường xuyên tham gia thể thao
  • Đi bộ hoặc chạy trên bề mặt không bằng phẳng, sân đấu kém hoặc trơn trượt
  • Có chấn thương cổ chân trước đó
  • Tình trạng thể chất kém
  • Mang giày không phù hợp với hoạt động

Triệu chứng và chẩn đoán

Bong gân cổ chân có những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Những triệu chứng phổ biến nhất gồm:

  • Đau đớn, đặc biệt là khi đi lại hoặc đặt trọng lượng lên chân ảnh hưởng
  • Đau khi chạm vào vùng bị thương
  • Bầm tím
  • Sưng tấy
  • Hạn chế phạm vi chuyển động
  • Mất ổn định ở mắt cá chân
  • Khó khăn khi đi lại
  • Dịu dàng khi chạm vào
  • Có cảm giác hoặc nghe thấy âm thanh bật khi bị thương

Bong gân cổ chân gây sưng tấy, bầm tím, đau
Bong gân cổ chân được đặc trưng bởi tình trạng sưng tấy, bầm tím, đau và hạn chế chuyển động ở cổ chân

Bác sĩ có thể chẩn đoán bong gân cổ chân sau khi hỏi về chấn thương, kiểm tra bàn chân và mắt cá chân. Trong quá trình này, bác sĩ tìm kiếm dấu hiệu sưng và bầm tím, so sánh mắt cá chân bị thương với chân còn lại, ấn nhẹ xác định dây chằng bị thương.

Đôi khi bác sĩ kéo và di chuyển mắt cá chân theo nhiều hướng. Điều này giúp kiểm tra độ ổn định và phạm vi chuyển động, xác định mức độ tổn thương.

Sau khi khám lâm sàng, xét nghiệm hình ảnh được thực hiện, gồm:

  • Chụp X-quang: Sử dụng tia X tạo ra hình ảnh của xương ở bàn chân và cổ chân. Điều này có thể giúp phát hiện tình trạng gãy xương hoặc trật khớp đi kèm.
  • Chụp X-quang căng thẳng: Đẩy mắt cá chân theo nhiều hướng khác nhau (có kiểm soát) và chụp ảnh. Kỹ thuật này giúp xem liệu cổ chân có bị mất tính ổn định hay không.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI nếu có chấn thương nặng hoặc triệu chứng vẫn tiếp tục sau 6 - 8 tuần điều trị bảo tồn. Hình ảnh thu được giúp đánh giá những cấu trúc khác ở cổ chân như gân và sụn. Đồng thời xem xét liệu có gãy xương hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết bệnh nhân bị bong gân cổ chân đều lành lại hoàn toàn, có thể quay lại các hoạt động khi được điều trị. Thường mất 1 - 3 tuần để phục hồi bong gân nhẹ, 3 - 6 tuần đối với trường hợp trung bình và vài tháng đối với trường hợp nặng.

Mặc dù vậy dây chằng bị rách có thể làm tăng nguy cơ chấn thương tái phát trong tương lai. Biến chứng có thể xảy ra đối với những trường hợp không điều trị đúng cách, vận động quá sớm hoặc bong gân nhiều lần.

Những biến chứng thường gặp:

  • Viêm khớp
  • Mất ổn định khớp
  • Đau mãn tính.

Điều trị

Bong gân cổ chân được điều trị bằng nhiều phương pháp, có thể bao gồm các biện pháp tự chăm sóc tại nhà hoặc điều trị y tế.

1. Biện pháp tự chăm sóc tại nhà

Thử áp dụng phương pháp RICE trong vòng 3 ngày đầu tiên sau chấn thương. Phương pháp này gồm 4 bước có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng:

  • Nghỉ ngơi: Tránh những hoạt động có thể gây đau hoặc khó chịu. Nên giữ cho cổ chân được nghỉ ngơi. Điều này giúp tạo điều kiện cho dây chằng tự chữa lành.
  • Chườm đá: Ngay khi bị thương, đặt túi nước đá lên cổ chân 15 - 20 phút, lặp lại mỗi 2 - 3 giờ. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng, đau và bầm tím.
  • Nén: Nén cổ chân bằng băng thun cho đến khi hết sưng. Biện pháp này giúp giảm sưng do chấn thương. Nên bắt đầu quấn ở vị trí xa tim nhất, không quấn quá chật để tránh cản trở lưu thông máu.
  • Nâng cao: Nâng cổ chân bị thương cao hơn tim khi ngủ hoặc nghỉ ngơi. Trọng lực giúp hút chất lỏng dư thừa và giảm sưng.

Phương pháp RICE
Phương pháp RICE gồm các bước giúp giảm nhanh triệu chứng của bong gân cổ chân

2. Thuốc

Nếu đau nhiều, có thể dùng một trong các thuốc giảm đau không kê đơn dưới đây:

  • Acetaminophen
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), điển hình như thuốc Ibuprofen hoặc Naproxen

Những loại thuốc này có thể kiểm soát tốt cơn đau do bong gân cổ chân. Ngoài ra NSAID còn giúp giảm viêm và sưng tấy.

3. Dùng thiết bị hỗ trợ

Bong gân mắt cá chân nghiêm trọng khiến người bệnh đau đớn nhiều khi đi lại. Để giảm đau và hỗ trợ di chuyển, bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng nạng trong thời gian ngắn.

Ngoài ra nẹp hoặc băng thun có thể được dùng để ổn định mắt cá chân, tránh những chuyển động có thể gây thêm tổn thương cho vùng ảnh hưởng.

4. Vật lý trị liệu

Tiếp tục chuyển động sau khi đau và sưng giảm. Trong quá trình, bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập giúp cải thiện cơ bắp, tăng tính ổn định cho mắt cá chân. Đồng thời lấy lại sức mạnh, sự linh hoạt và phạm vi chuyển động.

Ngoài ra chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những bài tập thăng bằng, tạo sự ổn định và rèn luyện các cơ ở cổ chân. Điều này giúp ngăn ngừa bong gân tái phát.

Phục hồi bằng những bài tập tăng tính ổn định cho mắt cá chân
Phục hồi bằng những bài tập tăng tính ổn định cho mắt cá chân, cải thiện cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng

Khi không còn đau nữa, bài tập sức bền và sự nhanh nhẹn sẽ được bổ sung dần dần, chẳng hạn như chạy hình số 8 nhỏ dần. Những bài tập này giúp tăng sức mạnh, sự nhanh nhẹn, khả năng giữ thăng bằng và phạm vi chuyển động theo thời gian.

5. Phẫu thuật

Hiếm khi phẫu thuật cần thiết cho những trường hợp bong gân cổ chân. Phương pháp này sẽ được chỉ định nếu:

  • Rách dây chằng hoàn toàn
  • Cổ chân không ổn định hoặc dây chằng không lành sau một thời gian điều trị bảo tồn
  • Có gãy xương hoặc trật khớp đi kèm.

Tùy thuộc vào tình trạng, phẫu thuật bao gồm việc sửa chữa hoặc nối dây chằng bị rách, điều trị gãy xương hoặc sửa chữa trật khớp. Một số trường hợp nặng được tái tạo dây chằng bị thương bằng cách ghép mô từ gân hoặc dây chằng ở vùng lân cận.

Phòng ngừa

Những lời khuyên dưới đây có thể giúp hạn chế bong gân cổ chân:

  • Giãn cơ và khởi động trước khi tập thể dục và chơi thể thao.
  • Cần thực hiện những động tác hạ nhiệt và giãn cơ sau khi chơi thể thao hoặc luyện tập.
  • Tránh đi bộ, chạy, tập thể dục hoặc chơi thể thao trên bề mặt không bằng phẳng, sân thi đấu không đủ điều kiện hoặc trơn trượt.
  • Mang giày vừa vặn và thích hợp với hoạt động.
  • Hạn chế đi giày cao gót.
  • Không đột ngột thực hiện những hoạt động cường độ cao hoặc tăng cường độ luyện tập.
  • Nếu có chấn thương trước đó hoặc chân yếu, hãy sử dụng nẹp hoặc băng hỗ trợ mắt cá chân.
  • Nếu cảm thấy mệt mỏi khi tập thể dục hoặc hoạt động, hãy dừng hoặc chạy chậm lại.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và phục hồi giữa hoặc sau buổi tập, đặc biệt là khi chạy đường dài.
  • Thường xuyên tập thể dục để tăng cường cơ bắp hỗ trợ cổ chân và duy trì sự linh hoạt.
  • Rèn luyện sự ổn định bằng những bài tập giữ thăng bằng.
  • Học cách tiếp đất chính xác nếu thường xuyên chơi những môn thể thao cần nhảy hoặc xoay.

Thường xuyên tập thể dục để ngăn ngừa bong gân
Thường xuyên tập thể dục để tăng cường cơ bắp, duy trì sự linh hoạt và ổn định để ngăn ngừa bong gân

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?

2. Chấn thương của tôi nghiêm trọng đến mức nào?

3. Tôi có một chấn thương khác hay không?

4. Cần những phương pháp điều trị nào?

5. Nên làm gì để chăm sóc khi bị bong gân cổ chân?

6. Mất bao lâu để phục hồi?

7. Tôi có thể trở lại những hoạt động thể chất trước đây hay không?

Bong gân cổ chân gây sưng tấy, bần tím, đau đớn nhiều, khớp mất ổn định và phạm vi chuyển động. Những trường hợp nhẹ có thể chữa khỏi bằng những biện pháp điều trị tại nhà. Đối với những trường hợp nặng, người bệnh nhân cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị y tế.