Bệnh Viêm Tuyến Tiền Liệt Cấp Tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là tình trạng viêm đột ngột của tuyến tiền liệt với những biểu hiện nghiêm trọng. Bệnh thường xảy ra do một số chủng vi khuẩn thông thường hoặc vi khuẩn gây STDs. Để điều trị khỏi, việc xác định căn nguyên và xử lý nhanh là điều cần thiết.

Tổng quan

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng của tuyến tiền liệt. Bệnh thể hiện cho tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm đột ngột và gây ra những triệu chứng nặng.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là tình trạng viêm đột ngột, cần được điều trị khẩn cấp bằng kháng sinh

Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, cung cấp chất lỏng nuôi dưỡng tinh trùng. Khi xuất tinh, tuyến này hoạt động và tiết chất lỏng vào niệu đạo. Tuy nhiên sự xâm nhập của vi khuẩn có thể gây viêm và giảm chức năng.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính cần được phân biệt và điều trị khẩn cấp để tránh phát sinh rủi ro. Trong đó tiêm truyền kháng sinh là phương pháp thường được áp dụng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính thường do vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Bao gồm:

  • Lậu
  • Chlamydia
  • Escherichia coli
  • Klebsiella
  • Proteus

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào tuyến tiền liệt qua máu hoặc lây lan từ một bộ phận khác của cơ thể. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn xâm nhập thông qua một thủ tục y tế. Chẳng hạn như nội soi bàng quang và đặt ống thông nước tiểu.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính xảy ra do vi khuẩn
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính xảy ra khi vi khuẩn lây lan dẫn đến nhiễm trùng đột ngột ở tuyến tiền liệt

Nguy cơ viêm tuyến tiền liệt cấp tính tăng cao khi có những yếu tố sau:

  • Hệ thống miễn dịch bị ức chế
  • Niệu đạo bị chặn
  • Viêm niệu đạo
  • Viêm mào tinh hoàn
  • Hẹp bao quy đầu
  • Chấn thương đáy chậu (khu vực giữa bìu và trực tràng)
  • Sỏi trong bàng quang hoặc phì đại tuyến tiền liệt dẫn đến tắc nghẽn đầu ra của bàng quang
  • Uống không đủ nước
  • Quan hệ tình dục bừa bãi và có nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo không được bảo vệ
  • Trên 50 tuổi
  • Có tiền sử viêm tuyến tiền liệt
  • Căng thẳng tâm lý
  • Bị nhiễm HIV hoặc AIDS
  • Chấn thương vùng chậu do cưỡi ngựa hoặc đi xe đạp
  • Một số gen trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ viêm tuyến tiền liệt.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng dưới đây có thể xảy ra khi bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Đau vùng xương chậu
  • Đâu ở phía trên xương mu, bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc tinh hoàn
  • Đi tiểu đau
  • Dòng nước tiểu giảm
  • Khó làm rỗng bàng quang
  • Khó tiểu
  • Tiểu nhiều lần và tiểu gấp (thường gặp vào ban đêm)
  • Đau nhức cơ thể
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau khi xuất tinh
  • Có máu trong tinh dịch
  • Khó chịu khi đi tiêu

Bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính thường được chẩn đoán dễ dàng. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng viêm và nhiễm trùng.

Ngoài ra người bệnh còn được chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây:

Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra sự tăng lên của những tế bào bạch cầu và vi khuẩn gây bệnh

  • Xét nghiệm máu: Vi khuẩn có thể được tìm thấy trong máu hoặc nước tiểu. Từ đó xác định nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra kiểm tra công thức máu toàn bộ có thể thấy sự tăng lên của những tế bào bạch cầu.
  • Kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE): Trong khi kiểm tra, ngón tay được đeo găng và bôi trơn sẽ được đưa vào trực tràng. Điều này giúp phát hiện tuyến tiền liệt bị sưng và mềm hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ xoa bóp tuyến tiền liệt và lấy lượng chất lỏng được tiết vào niệu đạo. Bệnh phẩm được mang đi kiểm tra để tìm kiếm những dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Cấy máu: Kỹ thuật này giúp loại trừ vi khuẩn trong máu của bạn.
  • Phân tích hoặc nuôi cấy nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn, máu và bạch cầu.
  • Xét nghiệm tiết niệu: Xét nghiệm này giúp đánh giá khả năng làm rỗng bàng quang.
  • Nội soi bàng quang: Đôi khi nội soi bàng quang có thể cần thiết để kiểm tra bên trong bàng quang và niệu đạo. Điều này giúp tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng ở những trường hợp khó nhận biết.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là một tình trạng y tế khẩn cấp, nhiễm khuẩn nặng cần được xác định và xử lý nhanh. Khi được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian dùng thuốc và đủ liều, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn mà không có biến chứng.

Trong trường hợp không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Vi khuẩn kháng thuốc
  • Nhiễm trùng huyết
  • Đau vùng chậu mãn tính
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính
  • Áp xe tuyến tiền liệt
  • Viêm mào tinh hoàn
  • Bí tiểu cấp tính

Điều trị

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị ngay sau chẩn đoán
  • Nếu có sốt cao, dùng kháng sinh đường tĩnh mạch kết hợp hai kháng sinh khác để điều trị
  • Nếu có nhiễm khuẩn huyết, dùng kháng sinh và bù đủ dịch, dùng thêm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid
  • Kháng sinh được dùng tối thiểu 14 ngày, kéo dài trên 3 tuần khi cần thiết.

Phương pháp điều trị cụ thể:

1. Thuốc kháng sinh

Bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính được chữa bằng thuốc kháng sinh. Thuốc thường được sử dụng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch, điều trị trong vòng 4 - 6 tuần hoặc lâu hơn nếu cần thiết.

Dựa vào vi khuẩn gây nhiễm trùng, một loại kháng sinh cụ thể sẽ được sử dụng. Thuốc có khả năng tiêu diệt nhanh vi khuẩn gây bệnh. Nếu có khối sưng tấy chặn niệu đạo, bệnh nhân được yêu cầu nhập viện, dùng thuốc kháng sinh mạnh ở dạng tiêm vào tĩnh mạch.

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị
Dùng thuốc kháng sinh đúng cách và đủ liều lượng giúp khắc phục nhanh bệnh lý

Những loại kháng sinh thường được sử dụng:

  • Kháng sinh nhóm quinolon: Loại kháng sinh này thường được ưu tiên khi chưa có kết quả cấy vi khuẩn.
    • Levofloxacin 500mg: Uống 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày, dùng từ 14 - 28 ngày.
    • Nofloxacin 400 mg: Uống 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày, dùng từ 14 - 28 ngày.
    • Ofloxacin 200mg: Uống 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày, dùng từ 14 - 28 ngày.
  • Kháng sinh nhóm Trimethoprim Sulfamethoxazol: Kháng sinh này có thể được cân nhắc lựa chọn.
  • Phối hợp 2 kháng sinh: Phối hợp kháng sinh nhóm quinolon và kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 - 4. Hoặc dùng phối hợp Amoxicilline và Clavulanate.

2. Thuốc điều trị triệu chứng

Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định một số loại thuốc nhằm giảm bớt các triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc chẹn alpha: Thuốc này được dùng để giảm bớt sự khó chịu, thư giãn cơ bàng quang.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Một loại thuốc giảm đau như Acetaminophen hoặc Ibuprofen có thể cần thiết. Thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau và khó chịu.

3. Biện pháp hỗ trợ

Để tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể hướng dẫn một số biện pháp khắc phục tại nhà. Các nghiên cứu cho thấy, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giảm những triệu chứng của bệnh.

  • Tắm nước ấm: Ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc tắm nước ấm giúp giảm đau và khó chịu khi tuyến tiền liệt bị viêm.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước lọc để cải thiện khả năng đào thải độc tố, thanh nhiệt và tống vi khuẩn ra khỏi bàng quang. Tuy nhiên cần tránh những loại thức uống chứa caffein.
  • Tránh hoạt động tăng áp lực lên tuyến tiền liệt: Hạn chế đi xe đạp, cưỡi ngựa hoặc thực hiện những hoạt động khác có thể làm tăng áp lực lên tuyến tiền liệt. Ngoài ra người bệnh nên ngồi trên nệm để tránh các triệu chứng gây khó chịu.
  • Ăn uống lành mạnh: Hạn chế hoặc giảm tiêu thụ những thực phẩm cay nóng, tránh uống rượu. Nên duy trì một chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất, bổ sung thêm omage-3 để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và tăng khả năng chống viêm.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ viêm tuyến tiền liệt cấp tính và các biến chứng, những biện pháp dưới đây nên được áp dụng:

Sử dụng bao cao su trong hoạt động tình dục
Phòng ngừa lây nhiễm và bệnh viêm tuyến tiền liệt bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

  • Sử dụng bao cao su trong hoạt động tình dục để tránh lây nhiễm.
  • Không quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Không quan hệ tình dục với những người có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Quan hệ tình dục hoặc xuất tinh ít nhất 1 lần/ tuần.
  • Giảm căng thẳng và lo lắng. Nên giữ tinh thần thoải mái.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và trái cây (như cam, lựu, các loại quả mọng, bông cải xanh...). Tránh những loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn cay nóng, caffein và rượu.
  • Uống đủ hoặc nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh cân nặng dư thừa hoặc béo phì.
  • Bảo vệ và ngăn những chấn thương vùng chậu. Tránh những hoạt động làm tăng áp lực lên tuyến tiền liệt. Chẳng hạn như thủ dâm quá mức, quan hệ tình dục thô bạo, cưỡi ngựa hoặc đạp xe đạp đường dài.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách và giữ khô ráo.
  • Không nên ngồi quá lâu trong nhiều giờ liền. Bởi điều này có thể cản trở quá trình lưu thông máu đến tuyến tiền liệu. Từ đó làm tăng độ nhạy cảm và dễ tổn thương.
  • Tập thể dục mỗi ngày hoặc ít nhất 3 lần/ tuần. Điều này giúp cải thiện tinh thần và thể chất. Đồng thời nâng cao sức đề kháng cũng như khả năng kháng bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh lý của tôi nguy hiểm như thế nào?

2. Tôi cần được điều trị khẩn cấp trong bao lâu?

3. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn là gì?

4. Rủi ro nào có thể xảy ra nếu tôi không điều trị?

5. Thuốc kháng sinh đang dùng có tác dụng phụ không?

6. Có điều gì cần tránh trong thời gian chữa bệnh không?

7. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến các loại thuốc điều trị?

Bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính có độ nguy hiểm cao, cần được điều trị khẩn cấp để tránh biến chứng. Hầu hết bệnh nhân khỏi nhanh khi điều trị bằng kháng sinh. Vì vậy người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định kết hợp lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.