Bàn Chân Bẹt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bàn chân bẹt là một biến dạng thường gặp, xảy ra khi vòm bàn chân sụp xuống, lòng bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất. Tình trạng này chủ yếu do bẩm sinh nhưng cũng có thể liên quan đến chấn thương và tuổi tác.

Tổng quan

Bàn chân bẹt còn được gọi là bàn chân phẳng. Đây là một biến dạng xảy ra khi vòm bàn chân sụp xuống, tiếp xúc hoàn toàn / gần như hoàn toàn với mặt đất. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh, thường liên quan đến dị tật bẩm sinh và chấn thương.

Bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt xảy ra khi vòm bàn chân sụp xuống, tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất

Bàn chân phẳng hiếm khi nghiêm trọng ở trẻ, thường biến mất khi trẻ được 2 - 3 tuổi. Khi trẻ lơn hơn, dây chằng và gân ở cẳng chân và bàn chân thắt chặt, hình thanh vòm bàn chân.

Một số trường hợp có bàn chân bẹt kéo dài đến tuổi trưởng thành, gây đau khi hoạt động thể chất nhiều. Để cải thiện, những phương pháp thích hợp sẽ được thực hiện.

Phân loại

Các loại của bàn chân bẹt gồm:

  • Bàn chân phẳng linh hoạt

Bàn chân phẳng linh hoạt là loại phổ biến nhất, thường ảnh hưởng đến cả hai bàn chân. Những trường hợp này có vòm biến mất khi đặt trọng lượng lên bàn chân, xuất hiện bình thường khi không đặt trọng lượng lên bàn chân. Vì thế mà không thể nhìn thấy vòm của bàn chân khi đứng và đi bộ.

Đối với bàn chân phẳng linh hoạt, các triệu chứng xuất hiện trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, có xu hướng tồi tệ hơn theo tuổi tác. Những trường hợp nặng có gân và dây chằng vòm bàn chân bị căng quá mức dẫn đến rách và sưng tấy.

  • Bàn chân phẳng cứng nhắc

Những người có bàn chân bẹt cứng nhắc sẽ không nhìn thấy vòm bàn chân khi đứng (đặt trọng lượng cơ thể lên bàn chân) và cả khi ngồi (không đặt trọng lượng lên bàn chân).

Tình trạng này thường xảy ra ở những năm thiếu niên, có thể chỉ ảnh hưởng đến một chân hoặc cả hai chân. Bàn chân bẹt cứng nhắc gây đau đớn bàn chân, khó di chuyển bàn chân sang hai bên, gập bàn chân lên và xuống. Các triệu chứng tồi tệ hơn theo tuổi tác.

Bàn chân phẳng cứng nhắc
Bàn chân phẳng cứng nhắc gây đau đớn bàn chân, khó gập và di chuyển bàn chân

  • Bàn chân phẳng xảy ra ở người lớn (vòm sa)

Bàn chân phẳng ở người lớn thường chỉ ảnh hưởng đến một chân. Tình trạng này xảy ra khi gân chân (gân chày sau) bị viêm hoặc rách.

Khi phát triển bệnh, người bệnh nhận thấy vòm bàn chân bất ngờ sụp xuống hoặc hạ xuống. Điều này khiến bàn chân hướng ra ngoài, có thể kèm theo đau.

  • Xương sên dọc

Bàn chân bẹt do khuyết tật bẩm sinh được gọi là xương sên dọc. Xương sên ở mắt cá nằm sai vị trí khiến vòm không hình thành. Tình trạng này khiến phần dưới của bàn chân ảnh hưởng trông giống như phần dưới của chiếc ghế bập bênh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các vòm hoạt động như lò xo, xác định cách một người bước đi và hỗ trợ bước đi linh hoạt. Đồng thời giúp phân bổ trọng lượng cơ thể ở cẳng chân và trên bàn chân.

Ở bàn chân, các vòm phải chắc chắn và linh hoạt để đảm bảo thích nghi với nhiều bề mặt và áp lực khác nhau. Tuy nhiên một người có thể không có vòm do những nguyên nhân dưới đây:

  • Bẩm sinh: Bàn chân phẳng ở trẻ sơ sinh có thể phát triển đến tuổi trường thành. Tình trạng này xảy ra khi xương sên ở mắt cá nằm sai vị trí (bị lệch) khiến vòm chân không thể hình thành.
  • Chấn thương: Bàn chân phẳng thường phát triển ở những người có tiền sử chấn thương ở bàn chân hoặc mắt cá chân, chẳng hạn như:
    • Chấn thương gân Achille
    • Gãy xương do căng thẳng
  • Tổn thương gân chân: Gân chân (gân chày sau) bị viêm hoặc rách khiến vòm bàn chân sụp đổ, xảy ra ở người lớn
  • Chiều dài chân không đều: Sự không đồng đều về chiều dài chân buộc chân dài hơn phải bù lại bằng cách làm phẳng vòm.
  • Mang thai: Mang thai làm tăng sản xuất elastin. Đây là một loại protein có khả năng làm tăng tính đàn hồi của da và những mô liên kết. Quá nhiều elastin có thể gây ra chứng bàn chân bẹt tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Hội chứng Marfan: Đây là một loại rối loạn di truyền có khả năng ảnh hưởng đến các mô liên kết và tăng nguy cơ phát triển bàn chân phẳng. Rối loạn này thường được chẩn đoán ở độ tuổi 30.
  • Vẹo cột sống: Độ cong bất thường của cột sống có thể giảm ổn định và khiến dáng đi không bằng phẳng. Tình trạng này có thể gây bàn chân bẹt, ảnh hưởng đến một bên.
  • Giày không phù hợp: Mang giày không phù hợp có thể góp phần gây ra hội chứng bàn chân bẹt. Giày quá chật khiến ngón chân bị nén, không thể nghỉ ngơi ở tư thế tự nhiên. Điều này cũng khiến gót chân nâng cao, cơ vòm bị kéo căng hoặc duỗi quá mức, giảm phạm vi chuyển động của mắt cá chân. Cuối cùng gây ra sự sụp đổ của vòm bàn chân.

Những người có bàn chân bẹt sẽ có bàn chân cuộn vào bên trong khi đi lại hoặc đứng, còn gọi là lật ngửa quá mức. Tình trạng này khiến bàn chân hướng ra ngoài.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ

  • Thừa cân béo phì
  • Phụ nữ trên 40 tuổi
  • Bại não
  • Hội chứng Down
  • Cao huyết áp
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Bệnh tiểu đường
  • Sự lão hóa theo tuổi tác

Triệu chứng và chẩn đoán

Bàn chân bẹt thường phát triển trong thời thơ ấu nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Nhiều trường hợp không có triệu chứng ngoại trừ sự sụp đổ của vòm. Những trường hợp khác có các triệu chứng khác nhau.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, một người có bàn chân bẹt có thể có những triệu chứng dưới đây:

  • Không nhìn thấy vòm bàn khi đứng, đi bộ hoặc/ và khi ngồi
  • Đau bàn chân gồm vòm, gót chân, bên ngoài bàn chân, mắt cá chân
  • Đau khi đi bộ hoặc thay đổi dáng đi
  • Chuột rút ở chân
  • Đau cơ hoặc mệt mỏi ở bàn chân hoặc cẳng chân
  • Căng thẳng bất thường dẫn đến đau đầu gối và hông
  • Sưng hoặc cứng mắt cá chân, bắp chân, vòm bàn chân, đầu gối, hông và cẳng chân
  • Phần trước của bàn chân và các ngón chân ảnh hưởng hướng ra ngoài (trôi ngón chân)

Không nhìn thấy vòm bàn
Không nhìn thấy vòm bàn, đau bàn chân, đau khi đi bộ, thay đổi dáng đi là các triệu chứng thường gặp

Quan sát bàn chân khi ngồi và đứng có thể giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu của bàn chân bẹt. Trong quá trình này bác sĩ cũng có thể kiểm tra kiểu mòn trên giày, yêu cầu bệnh nhân đứng trên đầu ngón chân để xác định vị trí đau và kiểm tra sức mạnh ở mắt cá chân.

Một số bài kiểm tra trực quan có thể được thực hiện để phát hiện bàn chân bẹt:

  • Kiểm tra dấu chân ướt: Làm ướt bàn chân và đứng trên bề mặt phẳng và nhẵn. Trong đó hình ảnh giữa gót chân và bóng của bàn chân càng dày chứng tỏ bàn chân càng phẳng.
  • Kiểm tra giày: Mặt trong của đế giày bị mòn nhiều hơn cung cấp bằng chứng về cơ chế bàn chân phẳng. Ngoài ra phần trên của giày có xu hướng nghiêng vào trong so với đế.
  • Thử nghiệm "quá nhiều ngón chân": Đứng phía sau và đếm số ngón chân thò ra hai bên. Những người có bàn chân phẳng có thể có 3 hoặc 4 ngón chân thò ra.
  • Thử nghiệm nhón chân: Thử nghiệm này cho phép xác định bàn chân phẳng là linh hoạt hay cứng nhắc. Vòm được nhìn thấy khi kiễng chân cho thấy người bệnh mắc chứng bàn chân phẳng linh hoạt, nếu không sẽ cho thấy bàn chân phẳng cứng nhắc.
  • Nâng gót đơn: Uốn cong đầu gối và nhấc một chân lên khỏi mặt đất. Kiễng chân lên để nâng mặt sau của chân còn lại. Nếu bị đau hoặc không thể nhấc chân lên, người bệnh có khả năng bị viêm gân chày sau.

Để đánh giá thêm về tình trạng, những kỹ thuật dưới đây sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh của xương và khớp ở bàn chân. Từ đó đánh giá sự liên kết giữa các xương, phát hiện tình trạng viêm khớp và gãy xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết của bàn chân ở nhiều góc độ khác nhau. Từ đó đánh giá chi tiết hơn về xương và các khớp.
  • Siêu âm: Nếu có nghi ngờ chấn thương gân, sóng siêu âm sẽ được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết của mô mềm. Điều này giúp phát hiện các mô bị thương và đánh giá tình trạng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng vô tuyến và nam châm mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và mô mềm. Điều này có thể giúp xác nhận bàn chân bẹt và nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Biến chứng và tiên lượng

Vì vòm chân chưa phát triển nên bàn chân bẹt ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không phải là một bất thường. Khi trẻ lớn hơn (khoảng 2 - 3 tuổi), bàn chân phẳng biến mất do dây chằng và gân ở cẳng chân và bàn chân thắt chặt lại.

Trong nhiều trường hợp, hội chứng bàn chân bẹt phát triển do bẩm sinh, vòm đột ngột sụp đổ sau một chấn thương hoặc xảy ra qua nhiều năm hao mòn. Theo thời gian, gân hỗ trợ vòm bị suy yếu hoặc/ và rách. Những trường hợp nghiêm trọng hơn ở bị viêm khớp ở bàn chân.

Một số người không bao giờ phát triển vòm. Mặt khác sự sụp đổ của vòm hầu như luôn luôn là vĩnh viễn. Tuy nhiên nhiều người sẽ có bàn chân bẹt linh hoạt. Trong đó vòm được nhìn thấy khi nhấc chân lên (đứng nhón chân và ngồi), biến mất khi bàn chân được đặt xuống đất (đứng).

Bàn chân bẹt linh hoạt hầu như không gây ra bất kỳ vấn đề gì cho trẻ nhưng có thể gây đau ở bàn chân, đau dọc theo xương chày (xương ống chân), hông, lưng dưới hoặc đầu gối ở người lớn.

Bàn chân phẳng trở nên tồi tệ hơn khi bạn già đi, ảnh hưởng đến một hoặc cả hai vòm. Cuối cùng dẫn đến chứng bàn chân bẹt cứng nhắc. Trong đó lòng bàn chân phẳng cứng, không thay đổi ngay cả khi nhấc chân lên.

Những biến chứng thường gặp của bàn chân phẳng:

  • Viêm khớp
  • Gai xương
  • Bàn chân cứng, đau
  • Vấn đề về cân bằng
  • Hình thành vết chai do ma sát nhiều lần
  • Chứng sưng tấy (bunions). Đây là một vết sưng đau đớn hình thành ở bên ngoài ngón chân cái, phát triển do hình dạng bàn chân không bình thường hoặc có áp lực từ cách người bệnh đi bộ.
  • Đau đầu gối, đau hông hoặc đau lưng dưới
  • Nẹp ống chân. Đây là một chấn thương gây đau đớn ở phần trước của cẳng chân, xảy ra khi xương và các cơ ở cẳng chân bị kéo và kích thích.

Điều trị

Không cần điều trị nếu bàn chân bẹt không gây đau. Khi bị đau hoặc có những triệu chứng khác, người bệnh được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu chỉ đau nhẹ, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp khắc phục tại nhà, bao gồm:

  • Các thiết bị hỗ trợ

Có thể sử dụng thiết bị hỗ trợ vòm không kê đơn để cắt giảm triệu chứng, chẳng hạn như nẹp chân/ bàn chân, nẹp chỉnh hình bàn chân và giày đặt làm riêng. Những thiết bị này giúp tăng sự thoải mái, hỗ trợ bàn chân khi đi lại và hạn chế đau.

Dùng nẹp chỉnh hình bàn chân, miếng lót và giày đặt làm riêng
Dùng nẹp chỉnh hình bàn chân, miếng lót và giày đặt làm riêng để điều chỉnh bàn chân bẹt

  • Nghỉ ngơi

Giữ cho bàn chân nghỉ ngơi, tránh những hoạt động có thể khiến cơn đau tồi tệ hơn. Khi đau giảm (khoảng 2 - 3 ngày), hãy tham gia vào những bộ môn có tác động thấp, chẳng hạn như bơi lội, đi xe đạp và đi bộ. Tránh thực hiện những hoạt động có tác động cao, đòi hỏi chạy và nhảy nhiều, chẳng hạn như bóng rổ và chạy điền kinh.

  • Giảm cân

Nếu có cân nặng dư thừa, hãy tiến hành giảm cân để giảm căng thẳng cho bàn chân.

  • Chườm đá

Chườm đá lên bàn chân ảnh hưởng trong 20 phút. Điều này có thể giúp giảm viêm và đau.

  • Bài tập kéo dài

Gân Achilles có thể bị rút ngắn sau khi phát triển bàn chân bẹt. Để cải thiện người bệnh sẽ được hướng dẫn những bài tập để kéo dài gân. Những bài tập này giúp gân Achilles được kéo dài đúng cách, giảm tình trạng co rút gân và đau đớn.

Ngoài ra các bài tập còn giúp cải thiện bàn chân bẹt hiệu quả, tăng sự ổn định mặt trước của bàn chân và làm mạnh các cơ.

Bài tập căng bắp chân

Tác dụng: Giảm căng bắp chân, cải thiện sự linh hoạt của mắt cá chân và bàn chân phẳng.

    • Đứng đối mặt với tường, đặt cả hai tay lên tường
    • Đặt và duỗi một chân ra phía sau với các ngón chân hướng về phía trước, đầu gối phẳng, gót chân được đặt chắc chắn trên mặt đất
    • Chân trước uốn cong nhẹ nhàng, nghiêng người về phía trước cho đến khi bắp chân của chân sau căng nhưng không đau
    • Giữ nguyên vị trí từ 30 - 60 giây
    • Lặp lại 4 lần mỗi chân. Lưu ý không được để bàn chân lăn vào trong hoặc quay sắp trong quá trình kéo căng.

Nâng gót chân

Tác dụng: Tăng cường sức mạnh cho cơ bắp chân và một số cơ bắp ở bàn chân hỗ trợ vòm bàn chân.

    • Đứng trên hai chân rộng bằng vai
    • Từ từ nâng gót chân lên khỏi mặt đất càng cao càng tốt
    • Giữ 1 - 2 giây rồi trở về tư thế bắt đầu
    • Lặp lại 10 - 20 lần, mỗi ngày 2 hiệp

Yoga ngón chân

Tác dụng: Tăng cường sức mạnh và khả năng kiểm soát các cơ kiểm soát các ngón chân.

    • Nhấc ngón chân cái lên trong khi ấn đồng thời 4 ngón chân còn lại xuống đất, giữ 5 giây
    • Ấn ngón chân cái xuống trong khi nhấc đồng thời 4 ngón chân còn lại lên, giữ 5 giây
    • Lặp lại 10 lần mỗi chân.

Bài tập chân ngắn

Tác dụng: Cải thiện vòm bàn chân.

    • Ngồi trên ghế, đặt bàn chân trên sàn, các ngón chân hướng về phía trước
    • Trong khi giữ các ngón chân phẳng trên mặt đất, từ từ trượt mặt trước của bàn chân dọc theo sàn và hướng về phía gót chân
    • Giữ nguyên tư thế từ 5 - 10 giây
    • Thư giãn bàn chân, sau đó lặp lại 10 lần trên mỗi chân.

Bài tập chân ngắn
Bài tập chân ngắn là bài tập đơn giản giúp cải thiện vòm bàn chân hiệu quả

2. Thuốc

Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm viêm và đau do bàn chân bẹt. Trong đó Ibuprofen (Advil, Motrin IB) và Naproxen sodium (Aleve) có thể mang đến nhiều lợi ích.

3. Trị liệu

Để giảm đau do bàn chân bẹt mà không cần sử dụng thuốc, chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị những phương pháp sau:

  • Vật lý trị liệu: Bàn chân phẳng làm tăng nguy cơ bị chấn thương, đặc biệt là vận động viên hoặc những người hoạt động thể chất nhiều. Trong quá trình điều trị, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn những bài tập giúp cải thiện dáng đi và tư thế, tăng cường cơ bắp và gân ở bàn chân. Điều này làm giảm nguy cơ chấn thương.
  • Giá đỡ vòm: Đây là một dụng cụ chỉnh hình thường được sử dụng. Dụng cụ này giúp giảm đau và các triệu chứng khác do bàn chân bẹt gây ra. Đôi khi các giá đỡ vòm sẽ được thiết kế riêng cho người bệnh, kích thước phù hợp với đường viền của bàn chân.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi người bệnh bị tiếp tục đau và hạn chế hoạt động ngay cả khi được điều trị, thường sau 6 tháng thử các phương pháp chữa trị không phẫu thuật. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ sửa chữa những vấn đề về xương và gân để điều chỉnh bàn chân phẳng và cắt giảm cơn đau.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vật động và sức mạnh. Quá trình phục hồi hoàn toàn có thể mất vài tháng.

Phẫu thuật khi điều trị bảo tồn không hiệu quả, tiếp tục đau và hạn chế hoạt động
Phẫu thuật khi điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh tiếp tục đau và hạn chế hoạt động

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa bàn chân bẹt. Tuy nhiên duy trì cân nặng hợp lý, dùng các thiết bị hỗ trợ và nghỉ ngơi có thể giảm đau do tình trạng này.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì gây ra bàn chân phẳng của tôi?

2. Phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng của tôi là gì?

3. Tôi có nguy cơ mắc các vấn đề khác không?

4. Tôi có nên theo dõi và để ý những dấu hiệu biến chứng không?

5. Tôi có thể tham gia hoạt động thể chất bình thường hay không?

6. Biện pháp nào giúp cắt giảm đau do bàn chân phẳng?

7. Tôi có cần phẫu thuật hay không? Lợi ích và rủi ro là gì?

Bàn chân bẹt thường không có triệu chứng, không cần điều trị và có thể mất đi khi xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên một số người bị đau và có triệu chứng tồi tệ theo thời gian. Những trường hợp này nên nghe theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa.