Bệnh Áp Xe Quanh Amidan

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Áp xe quanh amidan xảy ra khi một túi chứa đầy mủ hình thành gần amidan. Tình trạng này gây đau nhức dữ dội, sưng amidan kèm theo sưng hạch bạch huyết. Để điều trị, người bệnh có thể được dùng thuốc, chọc hút kim và cắt amidan.

Tổng quan

Áp xe quanh amidan là một biến chứng của viêm amidan hoặc viêm họng không được điều trị, thường do liên cầu khuẩn gây ra. Bệnh thể hiện cho sự hình thành của một hoặc nhiều túi sưng tấy, chứa đầy mủ gần amidan.

Áp xe quanh amidan
Áp xe quanh amidan xảy ra khi có một hoặc nhiều túi sưng tấy, chứa đầy mủ hình thành gần amidan

Túi sưng chứa mủ thường gây đau đớn dữ dội và khiến người bệnh khó mở miệng. Ngoài ra những người bị áp xe quanh amidan còn có dấu hiệu sưng amidan và sưng hạch bạch huyết.

Áp xe quanh amidand phổ biến nhất ở trẻ em, thanh niên và thanh thiếu niên. Những túi mủ thường hình thành vào mùa đông, khi viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn lan rộng nhất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hầu hết các trường hợp áp xe quanh amidan là do vi khuẩn. Bệnh thường xảy ra khi bệnh viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị. Túi mủ hình thành khi nhiễm trùng lây lan từ amidan hoặc niêm mạc họng đến những mô xung quanh nó.

Một số nguyên nhân ít gặp hơn:

  • Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (bệnh truyền nhiễm mono)
  • Nhiễm trùng răng và nướu
  • Viêm tuyến Weber khiến áp xe quanh amidan xảy ra mà không bị nhiễm trùng. Những tuyến này nằm dưới lưỡi.
  • Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL)
  • Sỏi amidan hoặc sự lắng đọng canxi trong amidan
  • Hút thuốc lá.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của áp xe quanh amidan thường dữ dội và dai dẳng. Cụ thể:

  • Nhiễm trùng một hoặc cả hai amidan
  • Đau họng dữ dội
  • Khó há miệng hoàn toàn
  • Khó nuốt nước bọt
  • Sưng hạch ở cổ họng và hàm
  • Ớn lạnh hoặc sốt
  • Đau đầu
  • Sưng mặt
  • Có những thay đổi cụ thể trong giọng nói, chẳng hạn như khàn tiếng hoặc giọng nói bị bóp nghẹt
  • Hôi miệng.

Áp xe quanh amidan gây đau họng dữ dội
Áp xe quanh amidan gây đau họng dữ dội, khó há miệng hoàn toàn, sưng hạch ở cổ họng và hàm

Bệnh áp xe quanh amidan có thể được phát hiện trong quá trình kiểm tra miệng và cổ họng. Trong quá trình này, bác sĩ nhận thấy một hoặc cả hai amidan sưng tấy và ửng đỏ, sưng cổ họng, sưng cổ, sưng trên vòm miệng và túi mủ gần đó.

Ngoài ra bác sĩ có thể thực hiện một trong những xét nghiệm dưới đây để xem xét kỹ hơn:

  • Cấy dịch cổ họng hoặc xét nghiệm máu. Điều này giúp xác định nhiễm trùng.
  • Chụp MRI hoặc CT để xem và đánh giá áp xe kỹ hơn.
  • Hút chất lỏng từ áp xe và kiểm tra xem có nhiễm trùng hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Áp xe quanh amidan là một tình trạng nghiêm trọng. Túi mủ gây đau đớn dữ dội kèm theo nhiều triệu chứng khác làm ảnh hưởng đến khả năng há miệng, ăn uống, gây phiền toái cho người bệnh.

Hơn nữa áp xe có thể vỡ, nhiễm trùng từ áp xe lây lan sang những vùng lân cận hoặc vào máu. Điều này dẫn đến những biến chứng dưới đây:

  • Nhiễm trùng phổi
  • Tắc nghẽn đường thở
  • Lây lan nhiễm trùng đến miệng, cổ họng, cổ và ngực
  • Nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng khắp cơ thể.

Để ngăn ngừa biến chứng, túi mủ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Điều trị

Hầu hết những trường hợp áp xe quanh amidan cần phải dẫn lưu mủ và dùng kháng sinh. Ngoài ra bệnh nhân có thể được dùng thêm một số loại thuốc giúp giảm nhẹ các triệu chứng.

Trong trường hợp áp xe quanh amidan không được điều trị khỏi hoặc tái phát nhiều hơn một lần, người bệnh có thể cần phải cắt bỏ amidan.

1. Thuốc

Thuốc được chỉ định để điều trị viêm và giảm nhẹ các triệu chứng. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được dùng để điều trị nhiễm trùng, ngăn áp xe quanh amidan tiến triển

  • Thuốc kháng sinh: Để điều trị nhiễm trùng, bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng sinh. Thuốc này giúp tiêu diệt vi khuẩn, ngăn nhiễm trùng tiến triển và lây lan. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, kháng sinh có thể được đùng bằng đường uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Những loại thường được sử dụng gồm clindamycin, cephalosporin, penicillin và amoxicillin.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen thường được chỉ định để giảm nhẹ cơn đau và trị sốt. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau từ nhẹ đến trung bình.
  • Thuốc kháng viêm: Trong nhiều trường hợp, Ibuprofen, Naproxen hoặc một loại thuốc tương tự được dùng để giảm viêm sưng, giảm đau ở mức độ trung bình và hạ sốt. Nếu viêm nặng, người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng viêm mạnh hơn.

2. Dẫn lưu áp xe

Bệnh nhân được dẫn lưu áp xe amidan để loại bỏ mủ, thúc đẩy quá trình chữa lành. Ngoài ra phương pháp này có thể giúp làm dịu các triệu chứng, ngăn vỡ áp xe khiến nhiễm trùng lây lan.

Trong quá chích rạch dẫn lưu mủ, bác sĩ tiến hành rạch một vết áp xe. Sau đó giải phóng tất cả chất lỏng bên trong thông qua một ống dẫn. Bệnh nhân có thể được dùng thêm thuốc kháng sinh sau khi dẫn lưu mủ.

3. Cắt amidan

Cắt amidan là một thủ thuật đơn giản và an toàn. Thủ thuật này được chỉ định cho những bệnh nhân có áp xe quanh amidan tái diễn nhiều lần, viêm amidan mãn tính hoặc gây ra nhiều vấn đề.

Trong quá trình phẫu thuật cắt amidan, bác sĩ sẽ sử dụng dao điện hoặc tia laser để loại bỏ cả hai amidan. Sau thủ thuật, bệnh nhân được hướng dẫn ăn uống và chăm sóc vết thương đúng cách để phòng ngừa nhiễm trùng.

Phẫu thuật cắt amidan
Phẫu thuật cắt amidan được chỉ định khi viêm amidan mãn tính và áp xe tái diễn nhiều lần

Phòng ngừa

Để ngăn ngừa áp xe quanh amidan, cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Điều trị nhiễm trùng kịp thời. Bắt đầu điều trị viêm amidan và viêm họng ngay khi mắc bệnh. Tránh trì hoãn để ngăn hình thành túi mủ gần amidan do nhiễm trùng. Ngoài ra người bệnh cũng cần điều trị ngay khi có bệnh bạch cầu đơn nhân để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng hơn.
  • Ngừng hút thuốc lá, giữ cho miệng sạch sẽ và khỏe mạnh để ngăn ngừa áp xe quanh amidan.
  • Chải răng mỗi ngày 2 lần. Ngoài ra nên súc miệng và họng bằng nước sạch sau khi ăn xong.
  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa áp xe trong họng. Với đặc tính kháng viêm và chống nhiễm trùng, nước muối có khả năng làm sạch vi khuẩn trong miệng và họng, phòng ngừa viêm nhiễm, điều trị viêm họng và viêm amidan.

Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch khuẩn, ngăn ngừa áp xe quanh amidan

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?

2. Lợi ích và rủi ro có thể gặp khi điều trị là gì?

3. Biện pháp chăm sóc nào giúp hỗ trợ điều trị?

4. Tôi cần kiêng những gì khi bị áp xe quanh amidan?

5. Mất bao lâu để những triệu chứng của tôi có thể giảm?

6. Những biện pháp giúp ngăn ngừa áp xe tái diễn?

7. Điều gì xảy ra nếu tôi trì hoãn quá trình điều trị?

Áp xe quanh amidan thường xảy ra khi viêm họng liên cầu khuẩn và viêm amidan không được điều trị, thường xuyên tái phát. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy túi mủ quanh amidan cần được xử lý sớm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.