Viêm Mũi Dị Ứng Mãn Tính Là Gì? Căn Nguyên Và Phương Pháp Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Viêm mũi dị ứng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm mũi dị ứng mãn tính là bệnh lý thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa với các triệu chứng thường gặp như hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi… Tuy chúng không nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bởi vậy, việc tìm hiểu những kiến thức cơ bản xoay quanh viêm mũi dị ứng mãn tính sẽ giúp mọi người có biện pháp phòng tránh và phương pháp điều trị kịp thời.

Viêm mũi dị ứng mãn tính là gì?

Viêm mũi dị ứng là một thuật ngữ chung để chỉ tình trạng viêm nhiễm niêm mạc khoang mũi và lớp bên dưới khi tiếp xúc với một tác nhân gây bệnh nào đó. Viêm mũi dị ứng mãn tính thực chất là tình trạng bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài, bệnh tái đi tái lại và khó điều trị. Để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này,  chúng ta cần phân biệt rõ:

  • Viêm mũi dị ứng cấp tính: Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa hay có sự chênh lệch độ ẩm trong không khí. Bệnh cũng có thể xuất hiện khi trời mưa hoặc chuẩn bị lạnh. Thông thường, những dấu hiệu của viêm mũi dị ứng cấp tính có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần tùy theo cơ địa mỗi người.
  • Viêm mũi dị ứng mãn tính: Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, hiện tượng dị ứng sẽ kéo dài hơn 12 tuần liên tiếp. Đây là căn bệnh dai dẳng, kéo dài và dễ tái phát do liên quan đến yếu tố cơ địa mỗi người. Ù tai, nhức đầu, rối loạn khứu giác (mất mùi), ngủ ngáy là những biểu hiện thông thường của người nhiễm viêm xoang mũi dị ứng mãn tính. Tình trạng này khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh viêm xoang, từ đó dẫn tới những sai lầm trong điều trị, khiến quá trình chữa bệnh kéo dài hơn.
Viêm mũi dị ứng mãn tính xuất hiện khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài
Viêm mũi dị ứng mãn tính xuất hiện khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài

Đâu là triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính?

Viêm mũi dị ứng mãn tính mang những biểu hiện cơ bản của viêm mũi dị ứng nhưng với thời gian kéo dài lâu hơn và mức độ nặng hơn. Triệu chứng của bệnh còn tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng, mức độ bệnh nặng nhẹ của mỗi người, nhưng nhìn chung, viêm mũi dị ứng mãn tính có một vài triệu chứng thường thấy sau đây:

  • Nghẹt mũi: Đây là biểu hiện dễ thấy nhất ở người bệnh. Do tình trạng viêm nhiễm nên hình thành lượng chất nhầy dày đặc tại các khoang mũi, khiến bạn bị tắc nghẽn mũi.
  • Hắt hơi liên tục, có thể hắt hơi từng cơn hoặc hắt hơi thành tràng: Chảy nhiều nước mũi, dịch nước trong, loãng.
  • Ngứa mặt, ngứa cổ họng: Viêm mũi dị ứng mãn tính là một bệnh lí do hiện tượng dị ứng kéo dài nên xuất hiện các triệu chứng căn bản của dị ứng là ngứa ngáy, nổi mẩn.
  • Đau đầu, mệt mỏi: Tình trạng bệnh kéo dài khiến cho người bệnh gặp tình trạng đau đầu, mất ngủ khiến cơ thể ngày càng mệt mỏi, mất sức…
  • Cay mắt, đỏ mắt, mắt nhạy cảm hơn, dễ chảy nước mắt…
  • Sốt, ăn không ngon miệng, mất ngủ….
  • Giảm khứu giác, nhạt miệng, mất mùi
  • Niêm mạc mũi sưng đỏ, phù nề: Có thể quan sát bằng mắt thường hoặc nội soi mũi.

Các triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện đồng thời, nên khi bạn nhận thấy bản thân có một số vấn đề tương tự thì hãy đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng mãn tính cần biết

Viêm mũi dị ứng mãn tính là căn bệnh phổ biến, liên quan mật thiết đến cơ địa dị ứng của mỗi người. Bệnh do nhiều tác nhân gây nên, tiêu biểu là:

Bệnh có thể gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm
Bệnh có thể gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm
  • Cơ địa nhạy cảm (viêm da dị ứng, mề đay mãn tính, eczema…): thường theo gen di truyền từ bố hoặc mẹ. Nếu người thân trong gia đình bạn nhiễm căn bệnh này, có khả năng cao là cơ địa bạn cũng sẽ “mỏng manh” như thế.
  • Cấu trúc khoang mũi “đặc biệt”: Những dị tật bẩm sinh như vẹo mũi, gây vách ngăn… đều là tác nhân khiến niêm mạc mũi trở nên nhạy cảm hơn và có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng hơn so với người có cấu trúc mũi bình thường.
  • Một số yếu tố dị nguyên gây dị ứng: lông động vật, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, hay môi trường nhiều khói bụi. Ngoài ra, còn xuất phát từ các loại thực phẩm dễ gây kích ứng như thủy, hải sản và một số vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể người hay gặp nhất là S.pneumoniae (phế cầu), H. influenzae (Hib), tụ cầu, liên cầu….

Viêm mũi dị ứng mãn tính có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa trong năm. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính thực chất chính là phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp phải một số biến chứng như: 

  • Viêm xoang mũi dị ứng mãn tính: Mô xoang và mũi có liên hệ mật thiết với nhau. Khi mũi gặp tình trạng sưng viêm niêm mạc dài ngày sẽ gián đoạn quá trình lưu tiết dịch, khiến cho dịch bị ứ đọng và gây viêm xoang.
  • Viêm mũi dị ứng bội nhiễm: Mũi bị ứ đọng dịch nhầy lâu ngày sẽ là môi trường lí tưởng cho vi khuẩn tích tụ, sinh sôi và phát triển, từ đó hình thành nên bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Không giống với viêm mũi dị ứng đơn thuần, tình trạng này sẽ gây ra các triệu chứng ở mức độ nặng hơn và cần phải được phát hiện và điều trị trong thời gian sớm nhất.
  • Hen suyễn: Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản (tình trạng phế quản đột nhiên trở nên nhạy cảm và co thắt bất thường) do tiếp xúc với chất gây dị ứng. Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp: Các cơ quan hô hấp có quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau. Vì thế, sưng viêm niêm mạc kéo dài có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm họng hoặc viêm VA…
  • Ảnh hướng đến não bộ: Viêm mũi dị ứng mãn tính thường có nguy cơ cao bùng phát vào ban đêm do nhiệt độ giảm mạnh. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể khó chịu, khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Chất lượng giấc ngủ giảm có thể ảnh hưởng không tốt đến tư duy não bộ và hệ thần kinh.
Viêm xoang là một trong những biến thể nặng hơn của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính
Viêm xoang là một trong những biến thể nặng hơn của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính

Cách chữa viêm mũi dị ứng mãn tính hiệu quả

Viêm mũi dị ứng mãn tính tuy không phải là bệnh lý khó chữa, nhưng nếu để tình trạng kéo dài, việc điều trị và chữa dứt điểm sẽ càng “gian nan” hơn. Bên cạnh những phương thuốc đặc trị, việc giải quyết từ gốc rễ căn nguyên và áp dụng những phương pháp dân gian cũng không kém hiệu quả.

Điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính bằng thuốc Tây

Tùy vào triệu chứng và mức độ của tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định toa thuốc phù hợp, hỗ trợ giảm triệu chứng trong thời gian dùng thuốc. Một số loại thuốc được tin dùng phổ biến gồm:

Thuốc Tây điều trị hiệu quả và nhanh chóng
Thuốc Tây điều trị hiệu quả và nhanh chóng
  • Thuốc kháng Histamin H1 dạng xịt hoặc uống: Thuốc kháng Histamin có thể ngăn chặn phản ứng dị ứng hoặc giảm nhẹ triệu chứng do viêm mũi dị ứng mãn tính gây ra. Tuy nhiên chúng cũng sẽ gây ra một số tác dụng phụ như khô họng, buồn ngủ…
  • Kháng sinh Corticosteroid dạng xịt hoặc uống: Corticosteroid có tác dụng giảm nhanh tức thời các triệu chứng nhưng cũng dễ để lại tác dụng phụ như khô mũi, thậm chí teo mũi, loét niêm mạc mũi…
  • Thuốc xịt mũi co mạch (Naphazolin/ Oxymetazolin): Các loại thuốc này có tác dụng trong việc giảm lưu lượng tuần hoàn máu, giúp việc giảm sưng niêm mạc mũi hiệu quả hơn.

Khi các triệu chứng bệnh trở nên ngày càng nặng, không đáp ứng với bất kì phương thuốc nào, thì biện pháp phẫu thuật cấu trúc mũi được cân nhắc. Hoặc một số trường hợp bị viêm mũi dị ứng mãn tính do polyp mũi và lệch vách ngăn, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật chỉnh hình cấu trúc mũi để đảm bảo lưu thông mũi và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.

Điều trị bằng Tây y có tác dụng nhanh chóng, đem lại hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, khi dùng thuốc Tây điều trị, người bệnh cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn nếu lạm dụng thuốc.

Điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính bằng mẹo dân gian tại nhà

Ngoài sử dụng thuốc tây để điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính, người bệnh cũng có thể áp dụng một số mẹo dân gian để đơn giản hóa quá trình điều trị.

Lá cây ngải cứu

Ngải cứu là một loại dược liệu có tính sát khuẩn và kháng viêm cao. Nó giúp tiêu đờm, tiêu viêm và diệt sạch vi khuẩn. Đồng thời, ngải cứu còn chứa các hoạt chất có lợi như tetradecatrilin, dehydro matricaria este, cineol,.. có tác dụng trị ngứa và đẩy lùi đau nhức.

Cách thực hiện: 

  • Rửa sạch và để ráo nước 50g lá cây ngải cứu
  • Phơi thảo dược tại khu vực mát mẻ, thoáng mát (không phơi trực tiếp dưới ánh nắng)
  • Vò nát lá khô cho tới khi lá tơi và lấy được gân lá ra bên ngoài
  • Bọc thảo dược vào một miếng giấy nhỏ, cuộn theo hình điếu thuốc.
  • Đốt thuốc rồi hơ qua lại ở một số huyệt đạo trên đỉnh đầu trong vòng 30 phút. Nếu huyệt có cảm giác nóng thì bạn sẽ chuyển sang hơ khu vực khác.

Lá cây húng chanh

Theo  kinh nghiệm dân gian, lá húng chanh giúp điều trị hiệu quả những bệnh liên quan đến hô hấp, đặc biệt là viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, thảo dược còn giúp đào thải độc tố, tiêu đờm, giải cảm và tán hàn khu phong. 

Cách thực hiện:

  • Rửa và ngâm lá húng chanh (30g) với nước muối trong khoảng 15 phút để loại sạch bụi bẩn và tạp chất.
  • Rửa lại với nước sạch, cho lá vào nồi và đun chung với 1000ml nước.
  • Đặt nồi nước trước mặt, lấy khăn bông hoặc khăn tắm che kín đầu và thực hiện xông hơi.
  • Mỗi ngày thực hiện 1 lần trước khi đi ngủ, kiên trì trong vòng 10 ngày.
Lá cây húng chanh có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính
Lá cây húng chanh có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính

Lá cây kinh giới

Trong y học cổ truyền, kinh giới là dược liệu có khả năng đẩy lùi hiệu quả tình trạng viêm mũi dị ứng. Bởi dịch tiết trong nụ hoa sẽ ức chế những phản ứng dị ứng tại chỗ.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch kinh giới tươi rồi đun với một lượng nước vừa phải.
  • Khi nước đã sôi kỹ, tắt bếp, đổ vào ấm và sử dụng chúng để uống mỗi ngày.

Điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính bằng Đông y

Ngoài sử dụng thuốc Tây hay các mẹo dân gian được lưu truyền, các bài thuốc Đông Y cũng là một phương pháp phổ biến được tin dùng hiện nay, được xem là cách có thể điều trị tận gốc bệnh lý này. Theo Đông y, viêm mũi dị ứng xuất phát từ những căn nguyên căn bản như phế nhiệt, thận âm hư, can hỏa. Điều này sẽ làm cơ thể mất cân bằng âm dương, chính khí suy giảm, bị tà khí chèn ép và dễ dàng bị các tác nhân đường hô hấp tấn công. 

Do đó, các bài thuốc Đông Y sẽ tập trung vào việc cân bằng âm dương, giải quyết từ căn nguyên vấn đề. Tuy nhiên thời gian điều trị bằng Đông Y sẽ kéo dài lâu hơn và hiệu quả nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ thể mỗi người. Vì vậy, để đảm bảo được “bắt” đúng bệnh, chúng ta nên đi thăm khám trực tiếp để được gia giảm bài thuốc phù hợp.

Các bạn có thể tham khảo một số bài thuốc Đông Y điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính sau đây:

Các bài thuốc Đông Y chữa viêm mũi dị ứng mãn tính
Các bài thuốc Đông Y chữa viêm mũi dị ứng mãn tính

Bài thuốc đông y thể phong nhiệt phạm phế

Thể phong nhiệt phạm phế xảy ra khi điều kiện cơ thể suy nhược gặp phải gió nồm ẩm khiến phế suy nhược, giảm chức năng, sức đề kháng. Các triệu chứng đặc trưng thường xuất hiện như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, khứu giác giảm, nghẹt mũi, nhức đầu, ra nhiều mồ hôi và sốt. Các triệu chứng này thường nặng hơn khi nhiệt độ tăng và thuyên giảm khi nhiệt độ giảm.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 12g bồ công anh, 12g ké đầu ngựa, 12–16g kim ngân hoa, kinh giới, mã đề, lá dâu tằm, cam thảo nam và cúc tần mỗi thứ 8 – 10g,  10–12g rau diếp cá, 6–8g bạc hà 
  • Mang dược liệu sắc với 750ml nước, cho đến khi còn 300ml thì tắt bếp. 
  • Chia đều thành 2 lần uống và lưu ý dùng trước khi ăn ( nên dùng khi thuốc nguội)

Bài thuốc đông y thể âm hư

Đặc trưng của thể âm hư là tình trạng miệng mũi khô, nghẹt mũi, cổ họng khát, hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, cơ thể mệt mỏi, yếu đuối và có cảm giác sốt nhẹ khi về chiều. Thể bệnh này còn gây tiểu tiện đỏ hoặc táo bón.

Cách thực hiện:

  •  Chuẩn bị: Tây dương sâm thái phiến mỏng, ma hoàng, bách bộ và ếch làm sạch ( chú ý bỏ nội tạng).
  •  Cho hỗn hợp trên vào nồi, thêm nước và hầm kỹ trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
  • Sau đó nêm nếm gia vị vừa miệng rồi chia thành 3 lần ăn/ ngày.

Điều trị thể phế, tỳ khí hư

Thể này thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người có thể trạng suy nhược, ốm yếu. Chức năng ngũ tạng suy giảm có thể dẫn đến mệt mỏi, thiếu sức, khó thở, chảy nhiều nước mũi khi gặp lạnh hoặc yếu tố dị nguyên, hắt hơi nhiều, mũi ngứa và nhức.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 2 cái (khoảng 150g) đầu cá, 15g gừng tươi, bạch chỉ và tân di mỗi thứ 12g, 3g tế tân. 
  • Sơ chế đầu cá, tân di gói trong túi vải nhỏ sạch, gừng tươi thái phiến mỏng, bạch chỉ và tế tân rửa sạch.
  • Cho hỗn hợp trên vào trong nổi và ninh kỹ trong vòng 2 giờ đồng hồ.
  • Thêm gia vị vào sao cho vừa miệng và dùng nóng.             
  • Dùng món ăn này liên tục trong khoảng 10 ngày để thấy rõ hiệu quả.

Lưu ý cho người bệnh mắc viêm mũi dị ứng mãn tính

Người bị viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng mãn tính nói riêng nếu chỉ phụ thuộc vào thuốc thôi chưa đủ, người bệnh còn phải chú ý đến các vấn đề khác như phòng ngừa bệnh, sinh hoạt, ăn uống,… Để hỗ trợ quá trình điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính tốt hơn, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm mốc, làm sạch bụi bẩn tích tụ quá lâu và loại bỏ kí sinh trùng.
  • Tránh tiếp xúc với bụi bẩn, đeo khẩu trang khi ra đường, lúc quét dọn nhà cửa, khi đi đổ rác…
  • Giặt chăn ga, gối đệm, khăn rửa mặt thường xuyên, định kỳ để hạn chế sự phát triển của ký sinh trùng gây bệnh.
  • Kiêng hoặc hạn chế ăn những thực phẩm gây dị ứng hoặc có nguy cơ cao gây dị ứng như sữa, hải sản,… Đồng thời bổ sung dinh dưỡng cần thiết như các loại vitamin từ rau củ quả, tăng sức đề kháng…
  • Giữ ấm cơ thể, tăng cường, tránh tắm quá khuya,… đặc biệt khi thời tiết giao mùa, thay đổi từ nóng sang lạnh, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn mức bình thường.
  • Có thể trang bị thêm máy lọc không khí để trong nhà sẽ giúp không khí được lưu thông, thoáng mát và sạch sẽ, tạo một môi trường lí tưởng tránh xa các loại vi khuẩn, đặc biệt là những hộ gia đình sống trong trung tâm thành phố
  • Cung cấp cho cơ thể đủ lượng nước mỗi ngày. Bổ sung đủ lượng nước ấm không chỉ giúp cơ thể hoạt động tốt mỗi ngày mà còn hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết, giảm nghẹt mũi và khó thở đáng kể.

Viêm mũi dị ứng mãn tính tuy không phải là bệnh lí nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì thế việc cập nhật đầy đủ các kiến thức cần thiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị để phát hiện và có phương thức giải quyết kịp thời bệnh luôn là điều cần thiết.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger