Thực Đơn Cho Trẻ Bị Hội Chứng Thận Hư Các Mẹ Nên Biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thận hư Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư chuẩn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Mỗi đứa trẻ sẽ có chế độ ăn khác nhau tùy theo nhu cầu cơ thể và mục đích điều trị bệnh. Để biết chính xác thực đơn cho con của mình, tốt nhất bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể. 

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư
Xây dựng thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư phù hợp cho trẻ giúp phục hồi bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn

Hội chứng thận hư ở trẻ em xảy ra do đâu?

Hội chứng thận hư là căn bệnh sinh hóa lâm sàng phổ biến ở thận. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này. Trong đó 90% trường hợp mắc bệnh dưới 16 tuổi với tần suất là 2/30.000 trẻ. Tại Việt Nam, trẻ trong độ tuổi từ 2 – 8 tuổi mắc bệnh hội chứng thận hư là phổ biến nhất. Trẻ trai có tỷ lệ mắc cao hơn trẻ gái gấp 3 – 4 lần và thường gặp nhất là hội chứng thận hư đơn thuần. 

Dù ở trẻ nhỏ hay người lớn, hội chứng thận hư đều xảy ra cùng một cơ chế là hiện tượng tăng protein niệu, giảm protein máu, giảm albumin máu và tăng lipid trong nước tiểu. Đây là những biểu hiện tổn thương tối thiểu tại các mạch máu cầu thận, thoái hóa màng đáy của mao mạch trong cầu thận, khiến chức năng thận suy giảm chức năng lọc thải độc tố và phát sinh thành bệnh. 

Hội chứng thận hư ở trẻ em có nhiều cơ chế khác nhau, trong đó qua cơ chế tái hấp natri trong các tế bào ống góp là nguyên nhân làm tăng hoạt động bơm natri, gây ra nhiều triệu chứng bệnh khác nhau, điển hình là tình trạng phù toàn thân hoặc cục bộ tại một số vị trí như bụng, mí mắt, mặt, bìu, 2 chi dưới… 

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư
Trẻ bị hội chứng thận hư nếu có chế độ ăn uống không phù hợp sẽ khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn

Hiện nay, vẫn chưa có nhiều thông tin về nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em. Nhưng nhiều giả thiết cho rằng, chứng bệnh này có mối liên quan mật thiết đến cơ chế miễn dịch trong cơ thể. Bệnh không có khả năng lây nhiễm nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hội chứng thận hư có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cùng sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Đối với trẻ em mắc hội chứng thận hư thường là dạng đơn thuần. Đây là bệnh lý mạn tính bắt buộc phải sử dụng thuốc kéo dài theo phác đồ. Đồng thời, kết hợp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày phù hợp để cân bằng dưỡng chất, tránh gây rối loạn điện giải và khiến trẻ suy dinh dưỡng. 

Về thăm khám, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện làm các xét nghiệm liên quan để theo dõi diễn tiến của bệnh. Thường là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… 

Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho trẻ mắc hội chứng thận hư

Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng thận hư ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với những trẻ đã mắc hội chứng thận hư, việc ăn uống sai cách, thiếu chất, dư chất sẽ càng khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Do đó, bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bố mẹ cũng cần cho con ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chống lại các rủi ro về suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, phát triển thể chất và góp phần đẩy lùi bệnh tật hiệu quả, nhanh chóng. 

Để đảm bảo xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ mắc hội chứng thận hư phù hợp, các bậc phụ huynh cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau: 

# Đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng 

Dù trẻ bị hội chứng thận hư với hàng loạt các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe nhưng vẫn rất cần năng lượng và dinh dưỡng để đảm bảo phát triển thể chất, trí tuệ. Không nên quá kiêng cữ nhưng cũng không cho trẻ ăn quá thoải mái vì có thể khiến bệnh ngày càng nặng và kéo dài. 

Tốt nhất, bố mẹ cần cân đối thực đơn, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để giúp trẻ phát triển thể chất tốt, ngăn ngừa suy dinh dưỡng. 

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư
Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết thông qua đa dạng các loại thực phẩm tốt cho thận

Năng lượng

Tùy theo từng nhóm tuổi mà nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ khác nhau. 

  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: ~ 1.300kcal
  • Trẻ từ 4 – 6 tuổi: ~ 1.600kcal
  • Trẻ từ 7 – 9 tuổi: ~ 1.800kcal
  • Trẻ từ 10 – 15 tuổi: ~ 2.200 – 2.400kcal

Protein

Trẻ bị hội chứng thận hư thường thiếu hụt protein do thất thoát qua nước tiểu. Nên cần bổ sung đủ lượng đạm cần thiết bù vào lượng thiếu hụt. Lưu ý bổ sung vừa đủ để tránh nguy cơ làm xơ hóa cầu thận, đẩy nhanh quá trình suy thận. 

  • Đảm bảo tổng lượng protein hàng ngày là từ 1 .5 – 3g/kg/ngày. Trong đó tỷ lệ protein động vật chiếm trên 50% (chiếm 2/3), cao hơn so với protein thực vật (chiếm 1/3); 
  • Các protein động vật như: tôm, cua, thịt, cá, trứng, sữa… Protein thực vật như đậu, mì, gạo, miến, khoai củ…; 
  • Tùy từng độ tuổi của trẻ mà nhu cầu protein sẽ khác nhau: 
    • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: ~ 30 – 50g/ ngày; 
    • Trẻ từ 4 – 6 tuổi: ~ 40 – 45g/ ngày;
    • Trẻ từ 7 – 9 tuổi: ~ 45 – 50g/ ngày; 
    • Trẻ từ 10 – 15 tuổi: ~ 60 – 70g/ ngày; 

Chất béo (lipid)

Trẻ mắc hội chứng thận hư thường có nhu cầu chất béo thấp, chỉ nhằm mục đích cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhu cầu chất béo cho từng độ tuổi cụ thể như sau: 

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư
Sử dụng dầu oliu trong ăn uống hàng ngày thay vì các loại dầu động vật chứa chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe tim mạch
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: ~ 20 – 30g/ ngày; 
  • Trẻ từ 4 – 6 tuổi: ~ 27 – 35g/ ngày; 
  • Trẻ từ 7 – 9 tuổi: ~ 30 – 35g/ ngày; 
  • Trẻ từ 10 – 15 tuổi: ~ 35 – 40g/ ngày; 

Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý để tránh gây rối loạn chuyển hóa lipid máu và làm tăng chỉ số cholesterol đối với trẻ mắc hội chứng thận hư, nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật để tránh nguy cơ xơ hóa cầu thận, khởi phát suy thận. Chẳng hạn như cá hồi, bơ, trứng, hạt chia, dừa, dầu dừa, dầu ô liu… 

Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn các loại nội tạng động vật như thận, tim, gan, óc, ruột, dạ dày…, da gà, mỡ. Vì chúng chứa rất nhiều cholesterol gây hại cho sức khỏe của trẻ. Đảm bảo tổng lượng cholesterol được nạp vào cơ thể từ các loại thực phẩm tối đa là 200mg/ ngày. 

Vitamin, các chất điện giải, nước

Tùy theo giai đoạn hội chứng thận hư ở trẻ, triệu chứng phù nhiều hay ít mà bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung phù hợp. 

  • Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C, selen, beta carotene… Vì đây đều là những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, chống lại sự tấn công của các gốc tự do, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng xơ hóa cầu thận và suy thận; 
  • Để cải thiện phù người, chứng tiểu ít hoặc bí tiểu, hãy bổ sung nước cho trẻ theo công thức sau: V nước = V nước tiểu + V lượng dịch thất thoát bất thường (tiêu chảy, sốt, nôn…) + 35 – 45ml/ kg cân nặng. 

# Giảm lượng muối trong thực đơn 

Cắt giảm lượng muối khi chế biến thức ăn cho trẻ bị hội chứng thận hư giúp giảm triệu chứng phù hoặc tăng huyết áp. Theo các chuyên gia, muối chứa thành phần chính là natri sodium. Khi nạp muối vào trong cơ thể, thận sẽ bài tiết lượng natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Nhưng với trẻ mắc hội chứng thận hư, thận yếu và không thể bài tiết hết natri, làm tăng mức độ phù và làm tăng huyết áp.

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư
Trẻ bị hội chứng thận hư cần có chế độ ăn nhạt, ít muối và gia vị để giảm tải áp lực cho thận

Liều lượng muối khuyến cáo cho trẻ khác nhau theo từng độ tuổi như sau: 

  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: ~ 2g muối/ ngày (tương đương 800mg natri); 
  • Trẻ từ 4 – 6 tuổi: ~ 3g muối/ ngày (tương đương 1.200mg natri); 
  • Trẻ từ 7 – 10 tuổi: ~ 5g muối/ ngày (tương đương 2.000mg natri); 
  • Trẻ từ 11 tuổi trở lên: ~ 6g/ ngày (tương đương 2.400mg natri); 

Ngoài chế biến thức ăn, bố mẹ cần lưu ý hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn như khoai tây chiên, nước ngọt có gas, xúc xích, snack… Học cách kiểm tra lượng muối trên sản phẩm trước khi chọn mua cho trẻ sử dụng. 

# Ăn nhiều rau xanh, trái cây 

Trẻ em bị hội chứng thận hư cần phải tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi giàu vitamin khoáng chất để cải thiện bệnh. Nên cho trẻ ăn đa dạng các loại như bắp cải, dưa leo, măng tây, khoai tây, đậu xanh, bắp, dâu, táo, lê, đào, thơm, nho, kiwi… 

Tuy nhiên, những trường hợp trẻ mắc bệnh có kèm theo triệu chứng bí tiểu, tiểu ít nên giảm lượng rau quả, trái cây (nhất là chuối chín) để phòng ngừa làm tăng chỉ số kali máu. Lưu ý rửa sạch rau, trái cây trước khi cho trẻ ăn hoặc luộc chín để đảm bảo sự an toàn. 

# Uống sữa ít béo, ít đường

Uống sữa cũng là một trong những cách bổ sung dinh dưỡng hiệu quả tốt cho sức khỏe của trẻ bị hội chứng thận hư. Ưu tiên cho trẻ sử dụng các loại sữa ít béo, ít đường, tùy theo độ tuổi mà chọn loại sữa phù hợp. Trường hợp trẻ không bị suy thận thì không nhất thiết phải sử dụng các loại sữa dành riêng cho bệnh nhân mắc bệnh thận. 

Gợi ý thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư chuẩn 

Bố mẹ nên thiết lập sẵn thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư hàng ngày để đảm bảo các nguyên tắc vừa nêu trên và tiết kiệm thời gian, đem lại hiệu quả hỗ trợ cải thiện bệnh nhanh chóng. 

Thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư
Ăn uống hàng ngày theo thực đơn khoa học giúp kiểm soát dinh dưỡng và cải thiện hội chứng thận hư ở trẻ

Gợi ý một thực đơn mẫu cho phụ huynh tham khảo và áp dụng như sau: 

Buổi sáng 

  • 200ml sữa bò tươi 
  • 100g khoai sọ + 20g đường

Buổi trưa

  • 120g cơm trắng 
  • 50g thịt lợn nạc xay nhuyễn 
  • 100g đậu phụ 
  • 100g su hào
  • 10g dầu và 1g muối
  • Ăn thêm 200g quýt ngọt vào lúc 14h

Buổi chiều

  • 120g cơm trắng 
  • 100g bắp cải
  • 150g cá chép 
  • 10g dầu
  • 200g bắp cải 
  • 1g muối

Tổng dinh dưỡng cho khẩu phần ăn này là 1.776 kcal, 69g protid, 276g glucid và 43g lipid. 

Trên đây là thông tin gợi ý về thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư bố mẹ có thể tham khảo sử dụng. Bên cạnh tuân thủ các chỉ định về dinh dưỡng, bố mẹ cũng nên chú ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày và thăm khám định kỳ theo dõi tiến triển của bệnh để thay đổi hướng điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng. 

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger