Thay Đĩa Đệm Nhân Tạo: Quy Trình Mổ Và Chi Phí Thực Hiện

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoát vị đĩa đệm Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Thay đĩa đệm nhân tạo là phương pháp điều trị cuối cùng cho những trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng, điều trị bảo tồn không khỏi. Phương pháp này sử dụng một đĩa đệm làm từ kim loại thay thế cho đĩa đệm tự nhiên. Với cấu trúc tương tự và độ bền vững cao, cột sống nhanh chóng ổn định và phục hồi sau mổ.

Thay đĩa đệm nhân tạo
Thông tin về quy trình thay đĩa đệm nhân tạo, chi phí, chỉ định và khả năng phục hồi sau mổ

Thay đĩa đệm nhân tạo là gì?

Đĩa đệm của con người hình thành từ mô sụn, mềm và dẻo dai. Nó nằm giữa hai đốt sống liền kề, cho phép cột sống chuyển động một cách linh hoạt. Tuy nhiên sự lão hóa theo thời gian và chấn thương có thể khiến đĩa đệm mất nước và hỏng dần hoặc đột ngột bị nứt / vỡ.

Tổn thương của đĩa đệm khiến nhân nhầy bên trong di chuyển và thoát ra ngoài dọc theo những vết rách của bao xơ (còn được gọi là thoát vị đĩa đệm). Bệnh lý này gây đau đớn nhiều, các dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến yếu chi, tê bì, rối loạn cảm giác và giảm chức năng vận động.

Những phương pháp điều trị bảo tồn thường mang đến hiệu quả cao. Những trường hợp nặng hơn có thể đau kéo dài và cần thay đĩa đệm nhân tạo. Trong đó đĩa đệm được làm từ kim loại hoặc / và nhựa sẽ được dùng để thay cho đĩa đệm hỏng trong cột sống người.

Thay đĩa đệm nhân tạo là phương pháp sử dụng đĩa đệm kim loại thay thế một phần hoặc toàn bộ đĩa đệm bị hỏng
Thay đĩa đệm nhân tạo là phương pháp sử dụng đĩa đệm kim loại thay thế một phần hoặc toàn bộ đĩa đệm bị hỏng

Về cơ bản, đĩa đệm nhân tạo là một thiết bị y khoa được dùng để thay thế đĩa đệm hỏng. Những đĩa đệm này có cấu trúc và chức năng tương tự như đĩa đệm tự nhiên, thường được làm từ kim loại và bên trong bằng nhựa.

Khi được dùng để thay thế, những đĩa đệm nhân tạo có thể phục hồi và duy trì tính linh hoạt cho bệnh nhân, cải thiện chức năng vận động. Với vật liệu chất lượng cao, những đĩa đệm này có khả năng chịu lực cao, chống mài mòn và chống biến dạng.

Thay đĩa đệm nhân tạo (phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm nhân tạo) thường là phương pháp điều trị cuối cùng và có hiệu quả cao. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn phục hồi chức năng.

Phân loại đĩa đệm nhân tạo

Đĩa đệm nhân tạo có 2 loại và sở hữu chức năng khác nhau. Cụ thể:

  • Loại thay thế toàn bộ đĩa đệm: Đĩa đệm nhân tạo sở hữu cấu trúc và chức năng giống với đĩa đệm thật. Thiết bị này được dùng để thay thế hoàn toàn đĩa đệm bị hỏng.
  • Loại chỉ thay thế nhân đĩa đệm: Loại đĩa đệm nhân tạo này có bao xơ được giữ nguyên. Chỉ phần nhân nhầy thoát vị được thay thế bởi một cấu trúc nhân tạo.

Lợi ích khi thay đĩa đệm nhân tạo

Trong quy trình phẫu thuật, đĩa đệm hỏng bị loại bỏ và những đĩa đệm nhân tạo sẽ được dùng để kết nối 2 đốt sống liền kề. Nhờ mô phỏng lại chức năng và cấu trúc tương tự như đĩa đệm tự nhiên, bệnh nhân sẽ cảm nhận được những lợi ích dưới đây sau phẫu thuật:

  • Tăng khả năng uốn cong và tính dẻo dai cho cột sống
  • Phục hồi khả năng vận động linh hoạt và khả năng di động
  • Đảm bảo duy trì sự ổn định của cột sống khi chuyển động
  • Giảm nguy cơ thoái hóa những đốt sống liền kề
  • Thời gian phục hồi ngắn, bệnh nhân trở lại những hoạt động bình thường sau khoảng vài tuần
  • Cắt giảm cơn đau
  • Loại bỏ những biến chứng liên quan đến thoát vị đĩa đệm
  • Người bệnh có khả năng vận động mạnh sau khi phục hồi hoàn toàn

Khi nào nên thay đĩa đệm nhân tạo?

Không phải tất cả trường hợp thoát vị đĩa đệm đều cần thay đĩa đệm nhân tạo. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp thật sự cần thiết. Cụ thể:

  • Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời
  • Đĩa đệm hư hỏng nặng, không thể phục hồi
  • Điều trị nội khoa thất bại sau 6 tháng
  • Mất hoặc giảm đáng kể chức năng vận động
  • Mất cảm giác, mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang
  • Rối loạn cảm giác ở các chi
  • Teo cơ hoặc yếu cơ không có khả năng phục hồi
Sử dụng đĩa đệm nhân tạo cho những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có mảnh rời
Sử dụng đĩa đệm nhân tạo cho những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có mảnh rời, điều trị bảo tồn không hiệu quả

Trước khi chỉ định thay đĩa đệm nhân tạo, một số yếu tố khác cũng được xem xét. Cụ thể phương pháp này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân đảm bảo được những điều kiện sau:

  • Không bị mất vững cột sống
  • Không dị ứng hoặc mẫn cảm với vật liệu của đĩa đệm nhân tạo
  • Không có bệnh lý tự miễn
  • Không có những bệnh lý cột sống kèm theo như:
    • Vẹo cột sống
    • Viêm khớp
    • Loãng xương
    • U cột sống
    • Hội chứng chèn ép tủy
  • Chỉ một đĩa đệm bị thoái hóa
  • Không bị thừa cân quá mức
  • Chưa từng phẫu thuật hợp nhất đốt sống, phẫu thật đĩa đệm cùng tầng hoặc tầng lân cận
  • Sức khỏe tổng thể tốt, đủ điều kiện để phẫu thuật.

Chống chỉ định

Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo mang đến nhiều lợi ích cho quá trình điều trị và phục hồi chức năng cột sống. Tuy nhiên phương pháp này không được chỉ định cho bệnh nhân có các tình trạng sau:

  • Mang thai
  • Gãy thân đốt sống
  • Loãng xương
  • U cột sống
  • Nhiễm trùng cột sống
  • Thoái hóa cột sống
  • Có bệnh tự miễn
  • Đang điều trị với steroid
  • Hẹp ống sống
  • Trượt đốt sống
  • Vẹo cột sống – béo phì
  • Sau chấn thương hoặc cố định cột sống thắt lưng
Chống chỉ định với người loãng xương
Những trường hợp loãng xương không được chỉ định phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo

Chuẩn bị trước khi thay đĩa đệm nhân tạo

Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh được kiểm tra đĩa đệm thoát vị, đánh giá mức độ nghiêm trọng và sự hư hỏng của đĩa đệm bị thương. Quá trình này thường được thực hiện thông qua những xét nghiệm hình ảnh sau:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp X-quang
  • Điện cơ và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh

Dựa trên chẩn đoán cụ thể, bệnh nhân được mổ thoát vị đĩa đệm với kỹ thuật tốt và phù hợp nhất. Đồng thời cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, đảm bảo người bệnh đủ điều kiện thay đĩa đệm nhân tạo.

Trong ngày phẫu thuật, người bệnh không ăn và không uống bất kỳ thứ gì. Ngoài ra bạn nên mặc quần áo thoải mái và giữ tâm trạng vui vẻ để giảm bớt cảm giác lo lắng.

Quy trình thay đĩa đệm nhân tạo

Trong quy trình thay đĩa đệm nhân tạo, những bước cơ bản dưới đây sẽ được thực hiện:

Mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

  • Bước 1: Gây mê toàn thân và đặt bệnh nhân ờ tư thế nằm ngửa. 
  • Bước 2: Sử dụng C-arm xác định vị trí phẫu thuật
  • Bước 3: Tạo vết rạch ở hông có độ dài từ 5 – 8cm
  • Bước 4: Di chuyển mạch máu, cơ bắp hoặc/ và nội tạng sang một bên. Bước này giúp bác sĩ dễ dàng quan sát hơn trong khi phẫu thuật
  • Bước 5: Lấy đĩa đệm tự nhiên ra khỏi cột sống (gồm nhân nhầy, vòng sợi và một phần của mâm sụn). Sau đó tiến hành đo và đánh giá độ cong của cột sống, kích thước của thân đốt sống tại khu vực bị thương bằng các thiết bị. Điều này giúp đĩa đệm nhân tạo được đặc vào đúng vị trí và kích thước.
  • Bước 6: Cấy đĩa đệm nhân tạo dưới hướng dẫn của X-quang trực tiếp
  • Bước 7: Đặt mạch máu và mô về vị trí ban đầu
  • Bước 8: Đóng vết thương bằng chỉ khâu.
Quy trình thay đĩa đệm nhân tạo
Những bước cơ bản trong quy trình thay đĩa đệm nhân tạo cho cột sống thắt lưng

Mổ thoát vị đốt sống cổ

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, sau đó cố định đầu trên khung Mayfield
  • Bước 2: Gây mê toàn thân
  • Bước 3: Dùng C-arm xác định vị trí mổ. Rạch da đường cổ trước với kích thước 3cm
  • Bước 4: Cắt cơ bám da cổ. Đồng thời xác định ranh giới giữa động mạch cảnh, thực quản và khí quản
  • Bước 5: Tách tổ chức bằng ngón tay, vén khí thực quản vào trong bằng bộ vén. Bước này giúp bọc lộ phần trước của cột sống cổ, bác sĩ quan sát dễ dàng hơn.
  • Bước 6: Dùng C-arm xác định vị trí đĩa đệm cần phẫu thuật
  • Bước 7: Dùng lưỡi dao 11mm lấy đĩa. Lần lượt sử dụng curette các kích cỡ làm sạch đĩa
  • Bước 8: Đặt pince tại đốt trên và dưới để không gian đĩa được nới rộng. Sau đó tiếp tục lấy đĩa thoát vị tương ứng
  • Bước 9: Kiểm tra kích thước đĩa đệm dưới C-arm và đặt dụng cụ thử các kích thước. Sau đó đặt đĩa đệm nhân tạo có kích thước tương ứng vào không gian giữa hai đốt sống
  • Bước 10: Kiểm tra dưới C-arm, chắc chắn đạt hiệu quả sau mổ
  • Bước 11: Rút bỏ hệ thống pince, dùng sáp xương cầm máu kỹ chân pince. Kiểm soát chảy máu vết mổ
  • Bước 12: Đặt 1 dẫn lưu
  • Bước 13: Đóng các lớp theo giải phẫu.

Thay đĩa đệm nhân tạo có nguy hiểm không?

Giống như những ca phẫu thuật khác, thay đĩa đệm nhân tạo tiềm ẩn một số rủi ro. Phương pháp này đòi hỏi bác sĩ phải tiếp cận nhiều hơn với cột sống. Từ đó khiến bệnh nhân gặp nhiều rủi ro hơn.

Dưới đây là một số rủi ro tiềm ẩn khi mổ thay đĩa đệm nhân tạo:

  • Trật khớp đĩa đệm nhân tạo
  • Nhiễm trùng
  • Gãy (vỡ) hoặc cấy ghép thất bại
  • Hẹp cột sống do sự cố của xương cột sống
  • Cột sống co cứng
  • Xuất hiện cục máu đông ở chân do giảm hoạt động
  • Tổn thương mạch
  • Rò nước tiểu hoặc rò dịch não tủy
  • Xuất tinh ngược
  • Lỏng dụng cụ
  • Tổn thương khí quản và thực quản
  • Tổn thương thần kinh
  • Hao mòn vật liệu thiết bị
  • Xuất huyết
  • Tổn thương cấu trúc tiết niệu
  • Rối loạn chức năng tình dục

Những biến chứng này có thể được hạn chế bằng cách chăm sóc vết thương và tập vật lý trị liệu sau mổ. Ngoài ra bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện, đảm bảo phẫu thuật được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ giỏi.

Phục hồi sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo rất quan trọng. Điều này giúp bạn làm quen với đĩa đệm nhân tạo, lành thương và phục hồi chức năng vận động nhanh hơn. Ngoài ra vận động và chăm sóc vết mổ đúng cách còn giúp hạn chế một số vấn đề sau mổ, chẳng hạn như nhiễm trùng, hình thành cục máu đông

1. Chăm sóc hậu phẫu

Những biện pháp chăm sóc sau mổ thay đĩa đệm nhân tạo gồm:

Ăn thức ăn lỏng, nhiều nước, dễ tiêu hóa
Ăn thức ăn lỏng và nhiều nước để hỗ trợ quá trình hấp thụ dinh dưỡng và tiêu hóa thức ăn sau mổ
  • Theo dõi các biểu hiện sau mổ. Thông báo với bác sĩ ngay khi có biểu hiện bất thường.
  • Thay băng cách ngày. Thường xuyên kiểm tra nhằm đàm bảo vết thương không bị nhiễm trùng hoặc viêm.
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Đốt với trường hợp phẫu thuật thay đĩa đệm cổ, bệnh nhân được dùng kháng sinh đường tĩnh mạch trong 7 ngày, rút dẫn lưu sau 48 giờ
  • Ăn thức ăn lỏng, nhiều nước, dễ tiêu hóa. Ngoài ra nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ những nhóm thực phẩm lành mạnh. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm chứa protein, trái cây, rau xanh,nhóm thực phẩm giàu chất xơ, canxi… để tăng tốc độ chữa lành.
  • Mang đai cột sống từ 1 – 3 tháng (tùy thuộc vào vị trí và chỉ định của bác sĩ).

Tham khảo thêm: Người Mổ Cột Sống Đeo Đai Bao Lâu? Chuyên Gia Giải Đáp

2. Phục hồi chức năng

Bệnh nhân được yêu cầu lên xuống giường, đi lại nhẹ nhàng, tập vật lý trị liệu để làm quen với đĩa đệm mới và phục hồi chức năng.

  • Trong những ngày đầu: Bệnh nhân được hướng dẫn thay đổi tư thế, lăn trở để dự phòng viêm nhiễm và loét do tỳ đè.
  • Từ ngày thứ 2: Tập ngồi, tập vận động thụ động và chủ động theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Từ ngày thứ 3: Tập đi lại nhẹ nhàng, tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi.
  • Từ tuần thứ 2: Tập đi không dùng nạng, vật lý trị liệu với những bài tập kéo giãn thích hợp. Kéo giãn nhẹ nhàng giúp tăng cường các cơ, tăng dẻo dai, phục hồi tính linh hoạt và chức năng cho cột sống.
  • Từ tuần thứ 4: Thực hiện những bài tập tăng cường sức cơ theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.

Thay đĩa đệm nhân tạo bao lâu lành hẳn?

Giai đoạn 1 – 2 tháng đầu sau thay đĩa đệm nhân tạo, vết mổ lành lại rất nhanh, bệnh nhân cải thiện chức năng vận động. Tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể và chế độ luyện tập. Vì vậy trong thời gian này, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, thực hiện chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng, kết hợp vật lý trị liệu tích cực.

Hầu hết bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, sinh hoạt bình thường sau 3 – 6 tháng chăm sóc và vật lý trị liệu tích cực. Tuy nhiên người bệnh cần tránh mang vác vật nặng, vận động hoặc lao động gắn sức để không làm giảm tuổi thọ của đĩa đệm.

Sinh hoạt bình thường sau 3 - 6 tháng chăm sóc và vật lý trị liệu tích cực
Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường sau 3 – 6 tháng chăm sóc và vật lý trị liệu tích cực

Chi phí thay đĩa đệm nhân tạo

Đĩa đệm nhân tạo có giá thành rất cao do hầu hết đều được nhập khẩu. Thiết bị này có mức giá dao động trong khoảng 50 – 90 triệu đồng (tùy thuộc vào vật liệu, chất lượng, hãng sản xuất, loại đĩa đệm).

Ngoài chi phí đĩa đệm nhân tạo, người bệnh cần chi trả thêm những khoản sau:

  • Thuốc
  • Khám bệnh
  • Xét nghiệm và phẫu thuật
  • Giường bệnh

Lưu ý khi thay đĩa đệm nhân tạo

Thay đĩa đệm nhân tạo là một ca phẫu thuật lớn, mang đến hiệu quả cao trong việc phục hồi chức năng vận động và cột sống. Tuy nhiên phương pháp này can thiệp sâu và tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Vì vậy, trước và sau khi mổ thay đĩa đệm nhân tạo, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

Chỉ phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ
Chỉ phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ, đã cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trong phẫu thuật
  • Phẫu thuật khi cần thiết: Chỉ phẫu thuật khi đã xem xét kỹ lưỡng và có chỉ định của bác sĩ. Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo. Ngoài ra bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp ngăn ngừa rủi ro.
  • Lựa chọn cơ sở uy tín: Phẫu thuật cần được thực hiện ở những cơ sở uy tín, có bác sĩ phẫu thuật cột sống giỏi và dày dặn kinh nghiệm.
  • Kiểm tra và theo dõi biểu hiện của cơ thể: Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần theo dõi cơ thể, thường xuyên kiểm tra vết thương và thay băng theo hướng dẫn. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
  • Vật lý trị liệu tích cực: Vận động trị liệu từ những ngày đầu tiên sau mổ để tránh lở loét do tỳ đè, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng, tăng tốc độ và hiệu quả phục hồi cột sống tốt hơn. Không nên nằm bất động trong thời gian dài.
  • Không gây căng thẳng cho cột sống: Trong vòng 2 – 4 tuần đầu, người bệnh cần tránh thực hiện động tác gây căng thẳng cho cột sống. Cụ thể như mang vật trên 2,5kg, uốn cong lưng, nằm nghiêng…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp: Hãy thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và khoa học. Ngoài ra nên bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, ăn nhiều protein nạc, tăng cường calo, bổ sung chất xơ và uống nhiều nước suốt cả ngày. Điều này giúp quá trình phục hồi của bạn diễn ra nhanh và tốt hơn.
  • Sử dụng thuốc và thiết bị hỗ trợ: Bệnh nhân cần dùng thuốc giảm đau kháng viêm và nẹp theo chỉ đinh của bác sĩ.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ: Thăm khám đúng lịch hẹn để được kiểm tra và sớm phát hiện những bất thường.
  • Không lao động vất vả: Ngay cả khi đã phục hồi hoàn toàn, người bệnh cần tránh mang vác vật nặng, ngồi lâu, thực hiện tư thế sai… để tránh làm giảm tuổi thọ của đĩa đệm nhân tạo và ngăn thoát vị đĩa đệm tái phát.

Thay đĩa đệm nhân tạo được cân nhắc sau cùng cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có tổn thương nặng. Phương pháp này mang đến hiệu cao nhưng tiềm ẩn rủi ro và có chi phí cao. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chăm sóc vết thương và vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi chức năng, giảm rủi ro.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger