Suy Thận Độ 2: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Suy thận độ 2 là bệnh thận mạn tính với những tổn thương ở mức độ nhẹ, thận vẫn còn hoạt động tốt. Tuy nhiên việc không điều trị có thể khiến những tổn thương tiến triển và tăng nguy cơ tử vong khi bệnh đến giai đoạn nặng.

Suy thận độ 2
Suy thận độ 2 có thận tổn thương ở mức độ nhẹ, chức năng giảm nhưng vẫn hoạt động tốt

Suy thận độ 2 là gì?

Suy thận độ 2 là giai đoạn nhẹ của suy thận mạn – một dạng tổn thương thận lâu dài và vĩnh viễn. Bệnh xảy ra khi thận tổn thương và suy giảm chức năng, mức độ tăng dần theo thời gian.

Suy thận (tổn thương thận) có 5 giai đoạn (từ 1 đến 5 tương ứng với mức độ tổn thương tăng dần). Trong đó suy thận độ 2 là giai đoạn nhẹ, phát triển từ suy thận giai đoạn 1 (suy thận mạn với tổn thương thận ít nhất).

Ở giai đoạn 2, tổn thương thận tiến triển nhưng vẫn còn ở mức độ nhẹ, thận vẫn hoạt động tốt, độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) trong khoảng từ 60 đến 89. Chính vì vậy hầu hết bệnh nhân không nhận thấy bất kỳ triệu chứng hay ảnh hưởng nào.

Tuy nhiên người bệnh sẽ có những dấu hiệu tổn thương thận, được phát hiện qua các xét nghiệm máu/ nước tiểu, nước tiểu có hoặc không có protein.

Ngay cả khi tổn thương nhẹ hoặc nặng, thận không thể hồi phục. Mặc dù vậy những biện pháp chăm sóc và điều trị có thể ngăn bệnh tiến triển, làm chậm quá trình tổn thương thận.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh suy thận độ 2 xảy ra khi bệnh suy thận giai đoạn 1 không được phát hiện và điều trị. Ở giai đoạn này bệnh nhân không có triệu chứng, tổn thương thận chưa gây vấn đề đối với sức khỏe. Vì vậy bệnh nhân suy thận giai đoạn đầu thường không nhận biết hoặc tình cơ phát hiện bệnh khi kiểm tra chức năng thận định kỳ.

Bệnh suy thận độ 2 phát triển từ suy thận độ 1 không được điều trị
Bệnh suy thận độ 2 phát triển từ suy thận độ 1 không được điều trị, tổn thương thận tiến triển

Có nhiều nguyên nhân làm suy giảm chức năng thận và khiến cơ quan này bị tổn thương. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Tiền sử sỏi thận
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần
  • Bệnh lupus
  • U nang hoặc khối u ác tính ở thận hoặc xung quanh thận
  • Giảm lượng máu đến thận do nồng độ cholesterol cao (chất béo tích tụ trong mạch máu), bệnh mạch máu (như viêm mạch, hẹp động mạch…), mất máu sau một cuộc phẫu thuật lớn…
  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu do sỏi hoặc phì đại tuyến tiền liệt
  • Một số thuốc điều trị như thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc lithium.

Một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận:

  • Thừa cân béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Có bất thường ở thận
  • Thường xuyên dùng thuốc gây tổn thương thận
  • Tiền sử mắc bệnh thận hoặc nhiễm trùng
  • Trên 65 tuổi

Triệu chứng suy thận độ 2

Bệnh suy thận giai đoạn 2 có độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) vẫn còn nằm trong phạm vi chức năng thận bình thường (từ 60 đến 89), chức năng lọc máu được đảm bảo, có tổn thương thực thể nhưng chưa gây vấn đề đối với sức khỏe.

Chính vì thế mà phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng hoặc những triệu chứng đáng chú ý, ảnh hưởng đến thể trạng không xảy ra cho đến khi bệnh thận tiến triển sang giai đoạn 3 (suy thận độ 3).

Suy thận độ 2 không có triệu chứng lâm sàng
Suy thận độ 2 không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi thận tổn thương và mất chức năng thêm

Tổn thương thực thể (dấu hiệu tổn thương thận):

  • Có protein trong nước tiểu hoặc nồng độ creatinine tăng cao trong nước tiểu.

Trong giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:

  • Tăng hoặc giảm tần suất đi tiểu, nước tiểu ít hoặc nhiều hơn bình thường
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc có màu đỏ
  • Mệt mỏi quá mức
  • Suy nhược
  • Phù nề (giữ nước) với biểu hiện sưng tay hoặc/ và chân, mắt cá chân và bàn chân
  • Huyết áp cao
  • Đau lưng dưới
  • Chuột rút cơ bắp vào ban đêm
  • Da khô hoặc ngứa
  • Mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ

Biến chứng và tiên lượng

Suy thận gây ra những tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi. Tuy nhiên ở giai đoạn 2, bệnh thận có tiên lượng khá tốt, chức năng lọc máu của thận được thực hiện tốt và chưa có những triệu chứng nghiêm trọng.

Hơn nữa việc phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn suy thận giai đoạn 2 phát triển với những tổn thương nghiêm trọng hơn. Đồng thời giúp điều trị dễ dàng và chất lượng đời sống được ổn định.

Bệnh thận giai đoạn 2 có thể xảy ra do những vấn đề tạm thời như sự tắc nghẽn và tác dụng phụ của thuốc. Điều trị nguyên nhân có thể cải thiện chức năng thận.

Tuy nhiên nếu người bệnh không phát hiện và điều trị sớm, suy thận độ 2 có thể tiến triển sang giai đoạn 3, 4 và 5 (suy thận giai đoạn cuối). Những giai đoạn này có tổn thương thận ở mức từ trung bình đến nặng, chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, chất thải tích tụ trong máu và bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

Chẩn đoán suy thận độ 2

Để chẩn đoán suy thận độ 2, bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm sau:

Đo lượng creatine trong máu
Đo lượng creatine trong máu xác định tổn thương thận và độ lọc cầu thận ước tính (eGFR)
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được đo lượng creatine trong máu thông qua xét nghiệm. Nồng độ này tăng cao bất thường cho biết thận không hoạt động ở mức tối ưu và độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Từ đó phản ánh tổn thương thận và cho biết thận có đang lọc chất thải hay không. Suy thận độ 2 có eGFR trong khoảng 60 – 89.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân bị tổn thương thận giai đoạn 2 thường có protein trong nước tiểu. Vì vậy xét nghiệm nước tiểu có thể giúp kiểm tra tình trạng này.
  • Kiểm tra huyết áp: Kiểm tra huyết áp có thể xác định nguyên nhân gây suy thận do huyết áp cao.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Đôi khi siêu âm bụng, chụp MRI hoặc CT được thực hiện nhằm kiểm tra cấu trúc của thận và vùng lân cận. Từ đó chẩn đoán phân biệt và xác định nguyên nhân gây suy thận.

Phương pháp điều trị suy thận độ 2

Ở giai đoạn 2, suy thận được điều trị bảo tồn bằng thuốc và chế độ ăn uống. Bệnh nhân không được chỉ định chạy thận do thận tổn thương vẫn còn lọc máu tốt.

Ngay cả khi có tổn thương nhẹ, thận không thể phục hồi. Tuy nhiên điều trị tích cực có thể ngăn bệnh thận tiến triển và khắc phục các nguyên nhân.

1. Chế độ ăn cho suy thận độ 2

Thực hiện chế độ ăn phù hợp và bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm lành mạnh có thể giúp tăng cường chức năng thận. Ngoài ra một số loại thực phẩm còn giúp hỗ trợ kiểm soát nguyên nhân và ngăn tổn thương thận tiến triển.

Chế độ ăn cho người suy thận độ 2 được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Duy trì chế độ ăn uống với thực phẩm tươi, bổ sung dinh dưỡng từ dầu thực vật, gia cầm nạc, cá, rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc, các loại đậu và hạt.
  • Cắt giảm nguồn protein từ động vật và thực vật ở những người tiêu thụ quá nhiều. Chỉ nên ăn khoảng 0,6 – 0,8 gram protein/ ngày.
  • Ăn nhạt, ít muối, chỉ nên ăn 1,5g muối/ ngày.
  • Uống đủ nước. Không dùng rượu bia.
  • Tránh những loại thực phẩm không tốt cho thận, bao gồm:
    • Thịt nguội
    • Thực phẩm chứa nhiều natri (muối)
    • Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
    • Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ ăn đóng hộp

Ở giai đoạn 2 của suy thận, người bệnh không cần phải tuân theo một số hạn chế cho đến khi bệnh thận tiến triển hơn. Cụ thể như giảm tiêu thụ phốt pho và tránh kali.

2. Biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh suy thận độ 2:

Bổ sung sắt
Bổ sung chất sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu và chống mệt mỏi do suy thận
  • Bổ sung sắt: Dùng thực phẩm và viên uống chứa chất sắt để kích thích tạo hồng cầu, cải thiện tình trạng thiếu máu và mệt mỏi.
  • Uống nhiều nước: Uống đủ 2 lít nước/ ngày hoặc 2,5 lít nước cho những người thường xuyên vận động. Điều này giúp hỗ trợ thận thải độc, thanh lọc cơ thể và giảm áp lực lên cơ quan này.
  • Kiểm soát căng thẳng: Tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Cần kiểm soát căng thẳng, luôn giữ tâm trạng vui vẻ và lạc quan. Ngồi thiền và yoga có thể giúp quản lý căng thẳng.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Chia bữa ăn lớn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Điều này giúp các thành phần dinh dưỡng được hấp thụ tốt hơn và giảm áp lực cho thận.
  • Tập thể dục hàng ngày: Luyện tập thể dục và thể thao mỗi ngày, tối thiểu 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Nên lựa chọn những bài tập và bộ môn thích hợp, tránh gắng sức.
  • Giữ trọng lượng khỏe mạnh: Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống ít chất béo và vận động.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng tổn thương thận.

3. Thuốc

Bệnh nhân được yêu cầu dùng thuốc để kiểm soát những tình trạng có thể gây tổn thương thận. Dựa vào tình trạng cụ thể, một số thuốc dưới đây có thể được chỉ định:

  • Thuốc tiểu đường: Tiểu đường có thể làm tăng mức độ tổn thương thận. Vì vậy bệnh nhân được theo dõi lượng glucose và dùng thuốc kiểm soát đường huyết.
  • Thuốc điều trị huyết áp: Nếu huyết áp cao gây suy thận độ 2, bệnh nhân được dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc một loại thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để điều chỉnh huyết áp.
  • Kerendia (Finerenone): Kerendia chứa Finerenone là một non-steroid đối kháng thụ thể mineralocorticoid (MR). Thuốc có tác dụng điều trị suy tim ở người lớn bị suy thận do bệnh tiểu đường loại 2, nhồi máu cơ tim không gây tử vong. Ngoài ra thuốc Kerendia còn được dùng để giảm nguy cơ phát triển bệnh thận giai đoạn cuối, suy giảm GFR kéo dài, tử vong do tim mạch.

Suy thận độ 2 sống được bao lâu?

Bệnh suy thận độ 2 có tiên lượng tốt hơn và tuổi thọ cao hơn so với những giai đoạn tiết triển của bệnh. Khi được kiểm soát tốt và tổn thương thận không tiến triển, chất lượng sống và tuổi thọ của bệnh nhân hầu như không bị ảnh hưởng.

Khi suy thận trở nên nghiêm trọng hơn hoặc đe dọa đến tính mạng, người bệnh có thể sống từ 5 – 20 năm.

Phòng ngừa suy thận độ 2

Cần phát hiện sớm và điều trị suy thận độ 1 để ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn 2. Ngoài ra bạn cần thực hiện những biện pháp để phòng ngừa suy thận, bao gồm:

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày và ăn chế độ ăn lành mạnh
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày và ăn chế độ ăn lành mạnh có thể phòng ngừa suy thận độ 2
  • Duy trì lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia và không hút thuốc lá.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Có thể bắt đầu bằng những bộ môn và bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông…
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là những loại thuốc có thể gây tổn thương thận.
  • Tránh thừa cân béo phì. Luôn duy trì cân nặng an toàn.
  • Phát hiện và điều trị tích cực những tình trạng sức khỏe có thể gây tổn thương thận.
  • Ăn một chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng từ những loại thực phẩm tươi. Cụ thể như rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc… Tránh ăn nhiều muối, đường, chất béo xấu, thực phẩm chế biến sẵn. 
  • Uống nhiều nước. Người lớn uống trung bình 2 lít nước mỗi ngày.
  • Quản lý căng thẳng bằng cách ngồi thiền và yoga. Tránh lo âu và căng thẳng thường xuyên.
  • Khám tổng quát hoặc kiểm tra chức năng thận 1 lần/ năm để sớm phát hiện và điều trị bệnh lý.

Bệnh nhân bị suy thận độ 2 có tổn thương thận ở mức độ nhẹ, thận bị suy giảm chức năng nhưng vẫn còn hoạt động. Việc điều trị có thể ngăn tổn thương thêm và phòng ngừa các biến chứng của bệnh thận. Vì vậy người bệnh cần xây dựng lối sống và ăn uống lành mạnh. Đồng thời điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger