Mất Ngủ Sụt Cân Là Bệnh Gì? Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Mất ngủ Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Mất ngủ sụt cân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Tình trạng này thường kèm theo cảm giấc mệt mỏi kéo dài, kém linh hoạt và thay đổi tâm trạng. Để điều trị cần xác định và điều trị nguyên nhân, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Mất ngủ sụt cân
Mất ngủ sụt cân thường liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng, cần phát hiện và điều trị sớm

Mất ngủ sụt cân là bệnh gì?

Giấc ngủ và cân nặng có mối liên hệ mật thiết. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị thiếu ngủ hoặc có chất lượng giấc ngủ kém thường bị rối loạn chuyển hóa và gây tăng cân. Hơn nữa mất ngủ còn làm tăng nguy cơ béo phì và khởi phát nhiều tình trạng sức khỏe mãn tính.

Trong khi đó những người có giấc ngủ ngon và đầy đủ sẽ có trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người bệnh bị mất ngủ sụt cân. Điều này thường liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng, cần được kiểm tra và điều trị sớm.

Dưới đây là những nguyên nhân gây mất ngủ sụt cân thường gặp:

1. Bệnh lý ở dạ dày

Mất ngủ sụt cân thường liên quan đến những bệnh lý ở dạ dày. Cụ thể như đau dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản. Khi điều này xảy ra, người bệnh thường bị ợ nóng, chán ăn do khó chịu ở dạ dày, rối loạn hấp thu khiến thức ăn khó tiêu hóa. Từ đó dẫn đến tình trạng sụt cân.

2. Bệnh cường tuyến giáp

Thận trọng nếu tình trạng mất ngủ sụn cân kèm theo cảm giấc mệt mỏi, tim đập nhanh, hồi hộp, run ở đầu ngón tay… Bởi đây đều là dấu hiệu cảnh báo bệnh cường tuyến giáp. Bệnh lý này xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức khiến nồng độ hormone tuyến giáp tăng cao và vượt khỏi nhu cầu của cơ thể.

Bệnh cường tuyến giáp chủ yếu xảy ra do các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, viêm tuyến giáp, dùng thuốc hormone tuyến giáp hoặc tăng tiêu thụ i-ốt.

Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh tiến triển giai đoạn nặng có thể phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể như rối loạn nhịp tim, cơ bão giáp, loãng xương, bệnh mắt tuyến giáp, những biến chứng khi mang thai (sảy thai, sinh non…)

3. Đái tháo đường

Những trường hợp bị đái tháo đường thường gặp chứng mất ngủ kèm theo giảm cân, cơ thể mệt mỏi. Điều này xảy ra ngay cả khi người bệnh không thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày.

Nguyên nhân là do đái tháo đường gây rối loạn chuyển hóa, tăng nồng độ glucose khiến những cơ quan quan trọng trong cơ thể bị tổn thương. Hơn nữa bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng và khiến người bệnh bị sụt cân.

Đái tháo đường
Đái tháo đường thường gây mất ngủ kèm theo giảm cân không chủ ý, cơ thể mệt mỏi

4. Các bệnh lý nhiễm trùng

Nhiều báo cáo cho thấy, những trường hợp mất ngủ sụt cân liên quan đến bệnh lý nhiễm trùng, chẳng hạn như:

  • Bệnh ho lao
  • Bệnh viêm dạ dày
  • Nhiễm ký sinh trùng
  • Bệnh nấm…

Những bệnh lý này không chỉ làm suy giảm hệ miễn dịch mà còn gây mệt mỏi, khó chịu, thay đổi tâm trạng và chán ăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị mất ngủ kéo dài, đồng thời gây sụt cân ở người bệnh.

5. Bệnh phổi

Tuyệt đối không nên bỏ qua nếu mất ngủ kéo dài kèm theo sụt cân nhiều. Bởi tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh phổi. Sự suy giảm chức năng phổi biến người bệnh suy nhược, khó thở, tức ngực. Điều này kéo dài làm thay đổi tâm trạng và gây chứng mất ngủ.

Hơn nữa bệnh phổi còn gây chán ăn và khiến bạn kiệt sức. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến một người bị sút cân.

6. Bệnh thận

Tương tự như bệnh phổi, những vấn đề ở thận cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ sút cân. Bệnh thận gây tiểu rắt, tiểu nhiều lần (đặc biệt là vào ban đêm)… Những triệu chứng này làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tăng cảm giác lo lắng và căng thẳng.

Ngoài ra bệnh thận còn khiến cơ thể mệt mỏi và chán ăn. Khi điều này xảy ra lâu ngày và không có biện pháp cải thiện, cơ thể không nhận đầy đủ chất dinh dưỡng và khiến bạn bị sút cân.

7. Bệnh lý ở đường hô hấp

Thật không may khi nhiều bệnh lý ở đường hô hấp trở nặng vào ban đêm và làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Chẳng hạn như bệnh hen suyễn, ho, viêm phế quản kèm theo những triệu chứng tức ngực khó thở. Điều này xảy ra lâu ngày khiến người bệnh ngủ không ngon giấc, khó hoặc mất ngủ, thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể.

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, một số bệnh lý ở đường hô hấp còn khiến cơ thể mệt mỏi và chán ăn. Bệnh và các triệu chứng xảy ra liên tục khiến bạn giảm cân chỉ sau vài ngày.

8. Huyết áp cao

Mất ngủ thường gặp ở những người bị huyết áp cao. Mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn và kém hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng giảm cân không chủ ý.

9. Ung thư

Cần thận trọng vì mất ngủ sụt cân có thể là một dấu hiệu cảnh báo ung thư. Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển khối u. Mất ngủ sút cân nghiêm trọng hơn trong giai đoạn nặng và thường bị ảnh hưởng bởi những phương pháp điều trị ung thư.

Ung thư
Ung thư là bệnh ác tính, ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây sút cân không rõ nguyên nhân

Hầu hết các dạng ung thư có thể gây mất ngủ và sút cân. Dưới đây là những dạng phổ biến nhất:

  • Ung thư vú
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Ung thư phổi
  • Ung thư gan
  • Ung thư dạ dày…

10. Căng thẳng, rối loạn lo âu

Bên cạnh những bệnh lý nêu trên, chứng mất ngủ sụt cân thường gặp ở những người rối loạn lo âu. Giấc ngủ và rối loạn lo âu có mối liên hệ mật thiết. Căng thẳng hoặc lo âu quá mức khiến người bệnh khó ngủ hoặc mất ngủ, ngủ không sâu giấc.

Trong khi đó rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu, người bệnh thay đổi tâm trạng và căng thẳng quá mức.

Mặt khác, rối loạn lo âu khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan. Điều này làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng và tiêu hóa của dạ dày, gây chán ăn. Từ đó dẫn đến tình trạng giảm cân không chủ ý.

Mất ngủ giảm cân do rối loạn lo âu khá nghiêm trọng. Cụ thể căng thẳng kéo dài hoặc rối loạn lo âu không được kiểm soát kịp thời có thể gây trầm cảm. Do đó người bệnh cần liên hệ bác sĩ để được khám và áp dụng phương pháp trị liệu.

Mất ngủ sụt cân có nguy hiểm không?

Mất ngủ sụt cân là một tình trạng nghiêm trọng. Về cơ bản, đây là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm, việc không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tính mạng (chẳng như bệnh ưng thư, bệnh cường tuyến giáp, và bệnh đái tháo đường…)

Hơn nữa mất ngủ giảm cân kéo dài có thể gây ra nhiều tình trạng nghiêm trọng sau:

  • Suy nhược cơ thể, ngất xỉu, đột quỵ
  • Suy giảm trí nhớ
  • Đau đầu, chóng mặt thường xuyên
  • Thay đổi tâm trạng, thường xuyên cáu gắt và tăng nguy cơ trầm cảm
  • Tăng nguy cơ thiếu máu, tai biến, ung thư
  • Kém linh hoạt
  • Tăng cân không kiểm soát do cơ thể đòi hỏi dung nạp chất dinh dưỡng sau một thời gian.
Mất ngủ sụt cân xảy ra lâu ngày làm tăng nguy cơ trầm cảm
Mất ngủ sụt cân xảy ra lâu ngày làm tăng nguy cơ trầm cảm, suy nhược cơ thể, đột quỵ

Để tránh khởi phát những vấn đề nghiêm trọng, người bệnh cần sớm thăm khám, xác định nguyên nhân và áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp.

Chẩn đoán mất ngủ sụt cân

Nhiều phương pháp sẽ được thực hiện nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây mất ngủ giảm. Thông thường người bệnh sẽ được khám lâm sàng kỹ lưỡng kết hợp xét nghiệm cận lâm sàng.

1. Kiểm tra lâm sàng

Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được hỏi về triệu chứng, thói quen sinh hoạt và chất lượng giấc ngủ trong 1 – 2 tháng gần nhất. Ngoài ra bác sĩ đặt một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bản thân và gia đình nhằm đánh giá sơ bộ về triệu chứng và nguyên nhân.

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Nhiều xét nghiệm sẽ được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân gây mất ngủ giảm cân. Dưới đây là những xét nghiệm thường được chỉ định:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Siêu âm
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Sinh thiết

Cách điều trị mất ngủ sụt cân

Để điều trị mất ngủ sụt cân, cần xác định nguyên nhân và có hướng xử lý thích hợp. Ngoài ra người bệnh cần áp dụng thêm những biện pháp cải thiện giấc ngủ để cơ thể sớm phục hồi.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị mất ngủ giảm cân thường được áp dụng:

1. Thuốc

Thuốc được sử dụng dựa trên nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Dưới đây là những loại thuốc thường được chỉ định:

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được chỉ định cho người bị mất ngủ sút cân do căng thẳng, rối loạn lo âu
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Nhóm thuốc này được dùng cho những người bị mất ngủ giảm cân do rối loạn lo âu hoặc căng thẳng quá mức. Thuốc có tác dụng an thần, giảm căng thẳng và giải tỏa lo âu. Ngoài ra thuốc chống trầm cảm 3 vòng còn có tác dụng giảm đau nhẹ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Những loại chống trầm cảm 3 vòng thường được sử dụng gồm Anafranil 25mg Novartis, Mirastad 30 Stella…
  • Melatonin: Melatonin thường được sử dụng để điều trị mất ngủ. Thuốc này có tác dụng bổ sung hàm lượng Melatonin bị thiếu trong cơ thể. Từ đó làm tăng cảm giác buồn ngủ vào ban đêm, tăng chất lượng và thời gian ngủ.
  • Thuốc bình thần: Nhóm thuốc bình thần (chẳng hạn như Rotunda 30mg) là thuốc trị mất ngủ thường được dùng. Thuốc có tác dụng điều trị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Sau khi dùng thuốc bình thần, người bệnh có thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
  • Thuốc ngủ: Stilnox 10mg, Zopistad 7.5mg hoặc một loai thuốc ngủ khác sẽ được chỉ định. Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị rối loạn giấc ngủ, tăng cảm giác buồn ngủ vào ban đêm và giúp ngủ ngon hơn.
  • Thuốc điều trị theo nguyên nhân: Dựa vào nguyên nhân cụ thể, những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:
    • Thuốc điều trị ung thư
    • Thuốc giảm đau
    • Thuốc chống bơm proton
    • Thuốc kháng viêm
    • Thuốc chẹn beta, thuốc kháng giáp, i ốt phóng xạ được chỉ định trong điều trị cường giáp.

2. Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể góp phần cải thiện mất ngủ sụt cân. Theo các chuyên gia, người bệnh nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ nguồn cung cấp lành mạnh, bao gồm: Các loại rau xanh, trái cây tươi, củ quả, hạt, cá, trứng, các loại đậu, dầu thực vật.

Đặc biệt bệnh nhân cần bổ sung đầy đủ chất sắt, tinh bột, vitamin C, omega-3 và canxi từ chế độ ăn uống hàng ngày. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe tổng thể, giúp cung cấp năng lượng, tạo hồng cầu, cải thiện đề kháng và giúp tăng cân.

Ngoài ra những người bị mất ngủ giảm cân nên bổ sung vitamin B1 từ bắp cải, cá hồi, các loại đậu, ngũ cốc ăn sáng, gan… Loại vitamin này có khả năng kích thích sản sinh Melatonin tự nhiên. Từ đó làm tăng cảm giác buồn ngủ, cải thiện thời gian cũng như chất lượng giấc ngủ.

Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ sụt cân, bạn cần lưu ý thêm một vài vấn đề dưới đây:

  • Hạn chế uống rượu bia
  • Tránh sử dụng những loại thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ và chất béo
  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn
  • Không dùng thức uống chứa caffein vào buổi tối
  • Không nên ăn quá no và không nên ăn gần giờ đi ngủ.

3. Thay đổi thói quen thức ngủ

Thay đổi thói quen thức ngủ có thể giúp bạn thiết lập đồng sinh học (chu kỳ thức ngủ) phù hợp. Người trưởng thành cần ngủ đủ 8 tiếng/ đêm, nên ngủ trước 23 giờ để bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Khi đồng hồ sinh học được thiết lập, bạn sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể
Thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể bằng cách thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày

4. Vệ sinh giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ giúp hỗ trợ trị chứng mất ngủ, cải thiện các vấn đề gây giảm cân không chủ ý. Biện pháp này bao gồm những thói quen tốt cho giấc ngủ, giúp ngủ ngon và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Cụ thể:

  • Ngủ trưa ngắn. Chỉ nên ngủ từ 20 – 30 phút.
  • Tránh những hoạt động có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Bao gồm:
    • Tránh tiêu thụ caffein vào buổi chiều tối.
    • Không nên nằm trên giường để nói chuyện hoặc chơi điện thoại.
    • Tối thiểu 1 giờ trước khi đi ngủ, cần tránh tiếp xúc ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử (thiết bị di động, máy tính bảng…)
  • Ngủ trên giường. Ngoài ra chỉ nên lên giường khi đến giờ đi ngủ. Điều này giúp tạo thói quen lên giường và ngủ ngay.
  • Đứng dậy và đi lại quanh nhà nếu không thể ngủ trong 30 phút. Đây là một cách thư giãn giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
  • Giữ phòng ngủ luôn sạch sẽ, có nhiệt độ thích hợp. Ngoài ra nên dùng nệm và gối êm ái, dùng mền ấm áp để tạo cảm giác dễ chịu khi đi ngủ.

5. Uống trà trị mất ngủ

Hãy thử dùng trà trị mất ngủ để cải thiện sức khỏe tổng thể và giấc ngủ của bạn. Trà hoa cúc, trà hoa oải hương và một số loại trà khác có hương thơm dịu nhẹ, giảm căng thẳng và tạo cảm giác dễ chịu.

Ngoài ra, một số thành phần trong hoa cúc và hoa oải hương có khả năng liên kết với những thụ thể GABA trong não. Điều này giúp giải tỏa lo âu, giảm căng thẳng, thư giãn não bộ. Đồng thời giúp hỗ trợ giấc ngủ, người bệnh nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu.

6. Thiền và yoga

Người bệnh được khuyên tập thể dục đều đặn để cải thiện chứng mất ngủ sụt cân. Trong đó thiền và yoga mỗi ngày có thể mang đến nhiều lợi ích. Ngồi thiện giúp điều hòa nhịp thở, tịnh tâm, an thần và tăng cảm giác buồn ngủ (hiệu quả đã được chứng minh lâm sàng).

Trong khi đó yoga giúp tăng tính dẻo dai, cải thiện sức khỏe tổng thể và sức đề kháng. Ngoài ra tập yoga mỗi ngày còn giúp giảm căng thẳng thần kinh, chống rối loạn lo âu, cải thiện hệ tiêu hóa và chức năng của các cơ quan. Đồng thời nâng cao chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ ngon và ngủ sâu hơn.

Thiền và yoga
Thiền và yoga giúp giải tỏa căng thẳng, chống mệt mỏi, ngăn bệnh lý và chứng mất ngủ sút cân

Biện pháp phòng ngừa mất ngủ sụt cân

Mất ngủ sụt cân thường liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng. Chính vì vậy việc phòng ngừa là điều cần thiết. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa cơ bản:

  • Điều trị những bệnh lý, vấn đề sức khỏe có thể gây mất ngủ và sụt cân.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 – 12 tháng/ lần.
  • Vệ sinh giấc ngủ và thiết lập đồng hồ sinh học.
  • Tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Luôn vui vẻ và suy nghĩ tích cực.
  • Nếu căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, hãy thử ngồi thiền, vận động nhẹ nhàng và đều đặn để kiểm soát căng thẳng, hỗ trợ giấc ngủ. Ngoài ra nghe nhạc nhẹ nhàng, chia sẻ với gia đình và bạn bè cũng là những cách giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm khó tiêu hóa, có khả năng kích thích dạ dày hoặc làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, cá, các loại đậu, hạt… để tăng cường bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết.
  • Hạn chế uống rượu bia và nên loại bỏ thói quen hút thuốc lá. Bởi những sản phẩm này đều có khả năng gây bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Tránh ăn quá no hoặc uống caffein gần giờ đi ngủ.
  • Ưu tiên thực phẩm lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp… khi bị chán ăn hoặc có triệu chứng liên quan đến dạ dày.

Mất ngủ sụt cân thường do nguyên nhân bệnh lý. Để cải thiện tình trạng, hãy áp dụng những biện pháp cải thiện giấc ngủ và điều trị căn nguyên theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cần thăm khám sớm để bệnh lý được kiểm soát dễ dàng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger