Đau Lưng Khi Đến Tháng và Cách Xử Lý, Khắc Phục Nhanh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau lưng khi đến tháng là tình trạng nhiều chị em gặp phải và gần như đã trở thành “cơn ác mộng” lặp đi lặp lại mỗi tháng. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nhưng lại khiến chị em vô cùng mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, chất lượng công việc hàng ngày. Vậy làm cách nào để xử lý nhanh cơn đau? 

Đau lưng khi đến tháng
Đau lưng khi đến tháng là một trong những triệu chứng hành kinh phổ biến bên cạnh đau lưng, đau đầu…

Lý giải nguyên nhân gây đau lưng khi đến kỳ kinh nguyệt

Kinh nguyệt đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ, thường bắt đầu xuất hiện khi đến tuổi dậy thì. Chu kỳ kinh nguyệt thường diễn ra hàng tháng, đây là sự thay đổi về mặt sinh lý trong cơ thể dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục nữ. Và đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong cơ thể của nữ giới. 

Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 3 – 7 ngày, tuy nhiên cũng có những trường hợp chu kỳ hành kinh ngắn hoặc dài hơn do cơ địa hoặc tình trạng sức khỏe của cơ thể. Trong giai đoạn này, cơ thể nữ giới sẽ xuất hiện rất nhiều triệu chứng mà trước khi hành kinh không có như đau bụng, tức ngực, đau đầu, chán ăn, các vấn đề về tiêu hóa, thay đổi tâm trạng, dễ nóng giận… và thường xuyên đau lưng.

Đau lưng là triệu chứng tiền kinh nguyệt cực kỳ phổ biến, có thể xảy ra trước khi có kinh và kéo dài trong suốt những ngày đèn đỏ. Cơn đau lưng hành kinh thường là những cơn đau âm ỉ hoặc có lúc dữ dội. Hầu hết các trường hợp gặp phải tình trạng này đều là hiện tượng sinh lý bình thường. Do đó liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố Prostaglandin đột ngột, phát sinh các cơn co thắt bên trong cơ thể. 

Đau lưng khi đến tháng
Đau lưng khi đến tháng là hiện tượng sinh lý bình thường do rối loạn nội tiết tố trong cơ thể nữ giới

Đồng thời, cơ thể cũng tự tạo ra những cơn co thắt nhằm co bóp tử cung để tống máu kinh ra ngoài. Hiện tượng này cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau lưng và đau bụng dưới khó chịu. 

Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số trường hợp đau lưng khi đến tháng là dấu hiệu của các vấn đề bệnh lý nghiêm trọng như rối loạn tiền kinh nguyệt, rối loạn tâm thần kinh nguyệt (PMDD), các bệnh phụ khoa, lạc nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, ung thư buồng trứng… Chị em có thể nhận thấy sự khác biệt ở mức độ, cường độ và tần suất các cơn đau lưng nhiều hơn so với bình thường. Kèm theo đó là một số triệu chứng bất thường khác như ra khí hư bất thường, ra máu âm đạo, đau vùng chậu, đau rát khi quan hệ… 

Trong trường hợp này, chị em phụ nữ cần chủ động thăm khám ngay để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. Vì đây là vấn đề bệnh lý nghiêm trọng, nếu điều trị chậm trễ sẽ gây ra nhiều biến chứng khó lường, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến vô sinh. 

Cách xử lý nhanh cơn đau lưng khi đến tháng hiệu quả

Có rất nhiều cách để khắc phục triệu chứng đau lưng khi hành kinh. Tuy nhiên, còn tùy theo nguyên nhân gây ra cũng như mức độ đau nhiều hay ít để chọn lực phương pháp phù hợp nhất. Cụ thể như sau: 

Giảm đau lưng tại nhà

Với các trường hợp đau lưng trong những ngày đèn đỏ là do yếu tố sinh lý thông thường, không nguy hiểm, chị em chỉ cần áp dụng các biện pháp giảm đau đơn giản để vượt qua chu kỳ một cách an toàn: 

1. Chườm nóng

Đây là cách giảm đau lưng cực kỳ hữu hiệu và đem lại hiệu quả nhanh chóng, tức thì. Nhiệt nóng tỏa ra từ túi chườm xâm nhập vào trong vùng lưng bị đau nhức, làm thư giãn các cơ, dây thần kinh, đặc biệt ở các dây thần kinh vùng lưng dưới, gần với cơ quan sinh sản và đem lại hiệu quả giảm đau lưng hiệu quả. 

Đau lưng khi đến tháng
Chườm nóng là biện pháp giảm đau lưng khi tháng tại nhà hiệu quả

Có nhiều cách chườm nóng khác nhau, chị em có thể chọn sử dụng chai nước nóng hoặc miếng đệm sưởi trong vòng 15 – 20 phút để đạt hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hãy nhớ cách này chỉ đem lại hiệu quả tạm thời, sau đó cơn đau có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. 

2. Tắm bằng nước ấm

Tương tự như chườm nóng, tắm nước ấm là giải pháp đơn giản giúp giảm đau lưng do hành kinh hiệu quả. Để tốt hơn chị em nên tắm dưới vòi hoa sen, nước ấm sẽ giúp thư giãn toàn thân, xua tan mệt mỏi và đem lại tinh thần thoải mái trong chu kỳ kinh nguyệt. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể tắm muối Epsom bằng cách pha vào bồn và tiến hành ngâm mình. Lưu ý chỉ dùng nước ấm nóng, không nên tắm bằng nước lạnh vì sẽ càng khiến cơn đau lưng khó chịu trong chu kỳ càng tăng nặng hơn. Nhiệt độ nước tốt nhất là khoảng 35 – 40 độ C. 

3. Nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động quá sức

Chị em phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt nên hạn chế vận động quá sức, không nên vận động mạnh, thay vào đó nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Nhất là khi cơn đau lưng đột ngột “ghé thăm”, hãy tạm ngưng mọi hoạt động và nghỉ ngơi, tránh khuân vác vật nặng trên lưng vì sẽ càng khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Đồng thời, trong lúc nghỉ ngơi hãy kết hợp hít thở sâu để mang oxy đi phân phối khắp cơ thể, hỗ trợ giảm bớt tần suất co thắt và gây đau lưng trong ngày đèn đỏ. Để thực hiện, bạn hãy hít vào sâu và thở ra hoàn toàn nhằm tạo điều kiện cân bằng thông qua mũi. Lưu ý hít thở thật chậm và đều để mở rộng phổi và lồng xương sườn, đem lại hiệu quả giảm đau rõ rệt. 

4. Chọn tư thế nằm phù hợp để giảm đau

Khi nằm xuống nghỉ ngơi để giảm đau lưng do hành kinh, chị em nên chọn tư thế phù hợp. Đây là giải pháp đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, điển hình với các tư thế sau:

Đau lưng khi đến tháng
Khi đau lưng do bị hành kinh hãy nghỉ ngơi và nằm nghiêng để cơn đau thuyên giảm dần
  • Tư thế nằm ngửa giúp cơ thể thả lỏng, thư giãn và thoải mái. Vừa giúp giảm cơn đau lưng nhờ hạn chế tần suất co thắt của tử cung vừa hỗ trợ đào thải máu kinh dễ dàng hơn. 
  • Tư thế nằm nghiêng hoặc còn được gọi là tư thế bào thai, co quắp chăn áp sát vào bụng giống như thai nhi nằm trong bụng mẹ. Tư thế này giúp giảm áp lực lên vùng lưng, giảm tác động lên các cơ quan nội tạng, giảm đau nhức và giúp chị em ngủ ngon hơn. 

5. Uống nhiều nước

Việc uống nhiều nước trong giai đoạn hành kinh là điều rất cần thiết. Việc uống đủ nước sẽ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, hỗ trợ điều tiết các hoạt động co thắt của tử cung, giảm căng thẳng, mệt mỏi và giảm đau lưng rõ rệt. 

Mỗi ngày chị em nên bổ sung đủ từ 1 – 2 lít nước là tốt nhất. Ngoài nước lọc, có thể xen kẽ thêm một số loại thức uống khác như nước ép trái cây giàu vitamin, khoáng chấ, sữa chua uống hoặc các loại trà thảo dược. 

6. Massage xoa bóp

Để loại bỏ sự co thắt và đau nhức tại các cơ cột sống lưng, bạn có thể nhờ người thân hoặc đến các spa chuyên nghiệp để được massage xoa bóp. Các động tác massage tác động trực tiếp đến vùng lưng đau nhức sẽ giúp đẩy lùi cơn đau nhanh hơn, đồng thời kích thích tuần hoàn máu hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng hành kinh khác như đau bụng, mệt mỏi… 

7. Tập yoga giảm đau lưng 

Các bài tập yoga rất có lợi cho sức khỏe. Theo chuyên gia, các động tác yoga rất có lợi cho sức khỏe, với khả năng cải thiện tính linh hoạt của xương khớp, tăng sức mạnh cơ bắp và điều chỉnh nhịp thở. Nhờ đó, hỗ trợ cải thiện cơn đau lưng dai dẳng, khó chịu trong chu kỳ hành kinh.

Đau lưng khi đến tháng
Các động tác yoga không chỉ tăng cường sức khỏe xương khớp mà còn giúp giảm đau cột sống lưng do hành kinh

Một vài bài tập yoga hiệu quả và đơn giản như:

Tư thế rắn hổ mang

  • Nằm sấp trên thảm tập, đặt hai lòng bàn tay úp xuống hai bên vai;
  • Hít vào một hơi thật sâu rồi dồn lực xuống 2 cánh tay, nâng phần thân trên lên khỏi mặt sàn trong khi chân vẫn duỗi thẳng trên sàn; 
  • Ngẩng cao đầu, hít thở đều và duy trì tư thế này trong 10 giây rồi thả lỏng, trở về tư thế ban đầu. 

Tư thế gập người

  • Đứng thẳng người trên thảm tập;
  • Từ từ cúi gập lưng xuống dưới sao cho đầu, cổ, lưng và chân tạo thành một đường thẳng;
  • Nếu không thể chạm tay xuống bàn chân, hãy đặt một vật cao kê trước mặt để làm điểm tựa, không nên cong chân. 

Ngoài ra, còn rất nhiều cách tập luyện hiệu quả khác như tập gym, đi bộ, yoga, thiền, thể dục nhịp điệu… Chỉ cần luyện tập đúng cách và kiên trì sẽ giúp hạn chế tần suất phát sinh những cơn co thắt, giảm áp lực lên cột sống lưng, hông và giảm đau nhức. 

8. Bấm huyệt, châm cứu 

Trường hợp bị đau lưng nhiều trong chu kỳ hành kinh và không cải thiện khi áp dụng các biện pháp đơn giản, hãy thử tìm đến các cơ sở y học cổ truyền để thực hiện châm cứu, bấm huyệt giảm đau tốt hơn.

Phương pháp này được thực hiện dựa theo cơ chế tác động đến các huyệt đạo liên quan, thư giãn tình trạng căng cứng, tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện cơn đau. Các động tác day, ấn, xoa khi bấm huyệt và châm cứu giảm đau lưng do hành kinh được thực hiện chủ yếu trên một số huyệt đạo như: 

  • Huyệt Quan nguyên;
  • Huyệt Tam âm giao;
  • Huyệt Âm giao;
  • Huyệt Quy lai; 

Thông thường, để đạt hiệu quả rõ rệt cần thực hành châm cứu, bấm huyệt trong vòng 12 buổi. Liệu trình này sẽ đem lại hiệu quả kéo dài lên đến 1 năm. 

9. Uống trà gừng

Một cốc trà gừng ấm nóng có khả năng giảm nhanh mọi cơn đau trong những ngày đèn đỏ, trong đó có đau lưng. Vì theo nhiều nghiên cứu, gừng là loại thảo dược có tính ấm, chứa một số hoạt chất có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng cường quá trình lưu thông máu và cải thiện những cơn đau lưng, đau bụng khó chịu khi đến tháng. 

Đau lưng khi đến tháng
Trà gừng có tác dụng ức chế cơn co thắt, làm ấm cơ thể và giảm đau lưng, đau bụng kinh hiệu quả

Cách chế biến loại thức uống này khá đơn giản:

  • Dùng một củ gừng tươi, già và rửa sạch, để nguyên vỏ rồi đập dập. 
  • Cho gừng vào ly, đổ nước sôi vào đậy nắp lại hãm trong vòng 15 phút. 
  • Cho vào 1 thìa cafe mật ong, khuấy đều lên và uống ngay khi còn ấm nóng. 
  • Bã gừng không nên vứt đi, hãy dùng nó để ngậm vào miệng để đạt hiệu quả tốt hơn. 

Ngoài trà gừng, chị em có thể đa dạng sự chọn lựa bằng nhiều loại thảo dược tự nhiên khác như trà quế, trà hoa cúc, trà xanh… nhằm đem lại hiệu quả giảm đau lưng tốt nhất. 

10. Ăn uống phù hợp

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, việc ăn uống đủ chất, nhất là bổ sung đầy đủ các dưỡng chất như canxi, magie, kali có tác dụng cải thiện hiệu quả triệu chứng đau lưng khi đến tháng. Vì các chất này có khả năng ức chế quá trình sản sinh hormone prostaglandin, nhờ đó giúp giảm đau. 

Đồng thời, việc ăn uống đa dạng các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có khả năng chống viêm còn giúp hạn chế và phòng ngừa các triệu chứng hành kinh nói chung, trong đó có hiện tượng đau lưng. 

Một vài loại thực phẩm giảm đau tốt trong chu kỳ kinh nguyệt chị em nên sử dụng như:

  • Các loại rau có lá màu xanh đậm như rau bina, rau cải xoăn, cải bó xôi, bông cải xanh, bắp cải…;
  • Các loại trái cây quả mọng, nhiều màu sắc;
  • Các loại đậu, hạt, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa; 
  • Gạo lứt; 
  • Các loại cá béo giàu omega-3 như cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá cơm… 

Song song đó, loại bỏ những loại thực phẩm không lành mạnh hoặc các chất độc hại như:

  • Tránh những món ăn quá chua, cay, nóng, nhiều gia vị, dầu mỡ, chất béo… vì sẽ càng kích thích cơn đau bùng phát mạnh hơn; 
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm ngọt, chứa đường nhân tạo như bánh kẹo, chocolate… để giảm đau lưng; 
  • Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức uống có gas… trong những ngày này. Vì chúng có khả năng làm co mạch máu, đẩy nhanh tình trạng mất nước và khiến bạn càng đau nhức, mệt mỏi hơn.

Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất có lợi còn có tác dụng giảm thấp nhất nguy cơ phát sinh các triệu chứng hành kinh nói chung và tình trạng đau lưng nói riêng. 

Điều trị y tế

Những trường hợp đau lưng nhiều kèm theo đau bụng dữ dội, không đáp ứng thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp vừa kể trên nên cân nhắc dùng đến các biện pháp y tế mạnh hơn để giảm đau. Có thể kể đến như: 

1. Dùng thuốc giảm đau lưng 

Cách giảm đau lưng do hành kinh nhanh nhất là dùng thuốc. Các loại thuốc tân dược tuy đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng nhưng lại rất dễ gây tác dụng phụ, nhờn thuốc nếu lạm dụng sử dụng trong thời gian dài. Do đó, tốt nhất chị em nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định sử dụng loại thuốc giảm đau lưng phù hợp. 

Đau lưng khi đến tháng
Dùng thuốc tránh thai giúp giảm đau lưng khi đến tháng hiệu quả

Tùy theo nguyên nhân gây ra các cơn đau lưng khi hành kinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc thường dùng: 

  • Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất, phù hợp với hầu hết mọi cơn đau, trong đó có đau lưng khi hành kinh. Một số trường hợp có thể kết hợp dùng Paracetamol với caffein để tăng hiệu quả giảm đau. 
  • Thuốc kháng viêm NSAIDs: Đây là loại thuốc dùng để giảm đau lưng, đau bụng kinh nhờ khả năng ức chế giảm tiết Prostaglandin. Lưu ý chỉ dùng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc hoặc lạm dụng quá mức để tránh gây kích thích, dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm. Một số loại thường dùng như Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac, Acid mefenamic… Theo khuyến cáo, nếu muốn đạt hiệu quả giảm đau tốt hơn, chị em nên chủ động sử dụng trước chu kỳ hành kinh từ 1 – 2 ngày hoặc ngay khi cơn đau lưng đầu tiên xuất hiện. 
  • Thuốc chống co thắt: Các cơn co thắt tử cung đột ngột cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra đau lưng, đau bụng trong những ngày đèn đỏ. Vì vậy, nếu chị em bị co thắt quá mức có thể sử dụng nhóm thuốc này để giảm các cơn đau quặn thắt. Thường dùng nhất là Hyoscine hoặc Alverin, lưu ý chỉ dùng đúng mục đích và đúng liều lượng, tránh lạm dụng để ngăn ngừa tác dụng phụ. 
  • Thuốc tránh thai: Dùng thuốc tránh thai để giảm đau lưng, đau bụng kinh là giải pháp được nhiều chị em thường xuyên áp dụng. Loại thuốc này có chứa estrogen và progestin có khả năng giảm đau nhanh chóng. Chị em có thể chọn mua loại thuốc dạng viên uống, miếng dán hoặc vòng âm đạo tùy theo nhu cầu. Tránh lạm dụng quá mức loại thuốc này vì có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và trạng thái tinh thần. 

Riêng trường hợp bị đau lưng khi đến tháng do bị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung, bác sĩ thường kê đơn nhóm thuốc chủ vận hormone có khả năng giải phóng gonadotrophin giúp giảm đau hiệu quả hơn. 

Lưu ý: Bất kỳ loại thuốc giảm đau lưng do bị hành kinh tuy đem lại hiệu quả cao nhưng hầu như lạo nào cũng gây ra tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Do đó, hãy dùng đúng mục đích với liều lượng cho phép, tránh lạm dụng trong thời gian dài. Hoặc tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc hiệu quả, an toàn. 

2. Liệu pháp TENS

Liệu pháp TENS là phương pháp can thiệp kích thích đến thần kinh xuyên qua da bằng bằng một thiết bị nhỏ được hoạt động bằng pin. Dòng điện này khi tác động vào vùng lưng bị đau giúp kích thích làm thư giãn các đốt sống, ức chế khả năng cảm thụ tín hiệu đau truyền đến não bộ. Đồng thời, tăng cường sản sinh lượng hormone endorphine giúp xoa dịu cơn đau lưng khó chịu. 

Phương pháp này đỏi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn, tay nghề cao nhằm đạt được hiệu quả rõ rệt, phòng ngừa các tác dụng phụ rủi ro nguy hiểm. 

3. Can thiệp ngoại khoa (nếu cần thiết)

Điều trị đau lưng khi hành kinh bằng phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung… Việc phẫu thuật nhằm loại bỏ các mô tử cung bị tổn thương do viêm nhiễm. Hoặc trong một số trường hợp chỉ cần loại bỏ một phần nhỏ các mô tử cung dịch chuyển sang vị trí khác. 

Chỉ những trường hợp không đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp bảo tồn mới được cân nhắc đến việc can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp tuy hiệu quả nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa nơi điều trị và kỹ thuật thực hiện. 

Lưu ý chăm sóc dự phòng tái phát đau lưng khi đến tháng

Bên cạnh áp dụng các biện pháp giảm đau lưng khi hành kinh, chị em phụ nữ cũng cần chú ý tuân thủ thực hiện chế độ chăm sóc khoa học để dự phòng tái phát đau lưng và các triệu chứng hành kinh khác:

Đau lưng khi đến tháng
Vệ sinh vùng kín kỹ lưỡng trong suốt những ngày đèn đỏ để phòng ngừa viêm nhiễm
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên trong những ngày đèn đỏ để tránh viêm nhiễm, tránh thụt rửa quá sâu vào bên trong tử cung.
  • Kiêng khem cẩn thận về chế độ ăn uống, lao động, làm việc, sinh hoạt tình dục…
  • Tránh mang vác vật nặng khi đang bị đau lưng do chu kỳ kinh nguyệt; 
  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, duy trì tinh thần ổn định, tránh áp lực…
  • Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng… giúp giảm thiểu mức độ cảm thụ cơn đau khi đến tháng. 

Đau lưng khi đến tháng rất khó để điều trị dứt điểm, việc can thiệp chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, giảm đau nhức trong suốt những ngày đèn đỏ. Đồng thời, chị em nên chú ý trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày để phòng ngừa tái phát hoặc giảm cường độ đau trong các chu kỳ hành kinh tiếp theo. 

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger